Với những thành tích đạt được, năm 2017, 2018, Lê Thị Thanh Huyền được Tỉnh đoàn, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu.
Lê Thị Thanh Huyền và các học viên ở Trung tâm Ngoại ngữ Pingo
Một hướng đi riêng
Câu chuyện khởi nghiệp của nữ Giám đốc Lê Thị Thanh Huyền tuy tương đối bằng phẳng, nhưng theo Thanh Huyền, điều đó không phải tự nhiên có được, mà đó là kết tinh bằng những năm tháng học hỏi trước đó của chị.
Huyền kể, cách đây gần 10 năm, sau khi du học từ nước ngoài trở về, chị đầu quân cho một trung tâm giáo dục của người nước ngoài. Ở đó, chị cống hiến bằng tất cả tinh thần trách nhiệm; trăn trở, sáng tạo nhiều cách làm để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất có thể. Chị dành nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích tâm lý trẻ em, kỹ năng phát triển thị trường. “Càng làm tôi càng yêu thích công việc, thấy việc làm của mình ý nghĩa. Tôi không ngừng sáng tạo, mang lại cơ hội tiếp cận tiếng Anh hiệu quả cho nhiều em nhỏ”, Huyền bộc bạch. Nhưng sau đó, câu chuyện không như dự định ban đầu. Trung tâm giáo dục Huyền làm việc thay đổi chiến lược, áp dụng toàn bộ công nghệ vào giáo dục, cho các em tương tác trực tiếp bằng màn hình cảm ứng. “Về góc độ giáo dục, tôi hoàn toàn không đồng ý với phương pháp này, nhưng không thể thay đổi nên tôi đành ra đi”, chị Huyền nhớ lại.
Trót đam mê lĩnh vực giáo dục tiếng Anh trẻ em, năm 2014, Huyền quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực giáo dục tiếng Anh cho trẻ em theo kinh nghiệm đã đúc rút. Hệ thống Trung tâm Ngoại ngữ Pingo ra đời từ đó. Ngay từ khi thành lập, mục tiêu Huyền đặt ra cho trung tâm là khơi nguồn cảm hứng học tiếng Anh cho trẻ em độ tuổi từ 3 đến 15; kết hợp học tiếng Anh và giáo dục kỹ năng sống, giúp các con tiếp cận kiến thức môn học và ứng dụng nó bằng nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế bên ngoài. “Từ kinh nghiệm tôi thấy, mình học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều khi được trải nghiệm thực tế và tôi muốn giáo dục các em nhỏ theo phương pháp đó”, Huyền cho biết.
Huyền quan niệm: Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục rất khác với các lĩnh vực khác vì nó liên quan đến thế hệ tương lai. Thất bại khi khởi nghiệp về giáo dục không đơn thuần gây tổn thất cho người khởi nghiệp mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến các em học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, người khởi nghiệp về giáo dục đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm, am hiểu về giáo dục; đồng thời phải có tâm và trách nhiệm với lĩnh vực này. Không chỉ ở người đứng đầu mà phải là toàn bộ hệ thống, nhất là đội ngũ giáo viên đều phải hiểu rõ điều đó.
Đặt trách nhiệm cho bản thân, Huyền vạch chiến lược thực hiện. Chị trực tiếp đến Trường đại học Ngoại ngữ Huế tuyển dụng nhân sự, tiếp đó trực tiếp đào tạo lại cho họ để cùng nhau thực hiện mục tiêu mà trung tâm đặt ra.
Huyền phân tích, mỗi em nhỏ có một đặc điểm riêng nên khi tiếp cận với Anh ngữ cũng khác nhau. Có trẻ rất thích nghe, có trẻ kỹ năng viết rất tốt, nhưng không ít trẻ lại rất thích nói... Vì vậy, Huyền đào tạo, giúp giáo viên có phương pháp khơi dậy sự hứng thú cho các em. “Khi được tôn trọng, được khuyến khích, động viên, thì các em nhỏ sẽ thể hiện năng lực bản thân, không còn thấy áp lực, căng thẳng với tiếng Anh”.
Chị Phan Thị Huyền, Trưởng phòng Giáo viên tiếng Anh, Trung tâm Ngoại ngữ Pingo chia sẻ: “Là lãnh đạo, chị Thanh Huyền là người rất gần gũi, hòa nhã nên luôn truyền cảm hứng tới những ai cùng làm việc. Từ cảm hứng chị chia sẻ, tôi đã hiểu ra được bản chất của phương pháp giáo dục chị theo đuổi và càng yêu thích công việc của mình”.
Tự tin
Cách đây mấy hôm, cháu bé con cô bạn đang học tiếng Anh tại Hệ thống Trung tâm Ngoại ngữ Pingo khoe với tôi: “Con vừa được học làm phóng viên phỏng vấn du khách nước ngoài tại khu phố Tây rất vui. Con sẽ cố gắng học giỏi tiếng Anh”. Phụ huynh Nguyễn Châu Anh, phường Phú Nhuận (TP. Huế) có con theo học tại Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Pingo cũng cho biết: “Con tôi được học và trải nghiệm các hoạt động mang tính giáo dục kỹ năng sống; kỹ năng xác định phương hướng và kỹ năng sinh tồn. Mới đây, các con lại được trải nghiệm tinh hoa nghệ thuật nghề truyền thống Huế như làm hoa giấy thanh tiên, làm gốm phước tích, làm nón… nên cháu rất hào hứng”.
Và đó là lý do CEO Lê Thị Thanh Huyền tự tin cạnh tranh thị trường. Từ một cơ sở ban đầu, nay Hệ thống Trung tâm Ngoại ngữ Pingo đã nhân rộng lên thành 7 cơ sở tại Huế và Đà Nẵng, thu hút hàng ngàn học viên theo học. Năm 2018, doanh thu đạt 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định với mức lương bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng cho gần 100 lao động và đảm đảo đầy đủ mọi quyền lợi chọ họ theo Bộ luật Lao động. Trung tâm đã ký hợp đồng lâu dài với 8 giáo viên người nước ngoài.
Hiện Huyền đang ấp ủ sẽ hợp tác với một số đối tác nước ngoài nhằm nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực giáo dục tiếng Anh dành cho trẻ em; chuẩn bị một dự án về tiếng Anh dành cho trẻ chuyên biệt; hỗ trợ các bạn nhỏ có thêm cơ hội học tập, trải nghiệm mang tầm quốc tế hơn. Để hiện thực hóa ý tưởng đó, hiện Huyền đang theo học khóa đào tạo thạc sĩ quốc tế về giáo dục tại Pháp để làm hành trang cho bản thân.
Bên cạnh chú trọng công tác giáo dục chuyên môn, CEO 8X này còn có nhiều hoạt động thiện nguyện, tổ chức những chương trình bổ ích như: “Áo ấm cho em”, “Tết yêu thương”, mỗi năm tặng hàng trăm suất quà cho các em nhỏ. Đồng thời, kêu gọi các em học sinh và phụ huynh của trung tâm quyên góp sách vở, áo quần, truyện tranh, đồ chơi,… để tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Bài: HẢI THUẬN - Ảnh: NVCC