Du khách tham quan Đại Nội - Huế

Hiểu thêm về lịch sử

Những ngày này, Công ty Beebee Travel liên tiếp tổ chức một số tour “Qua những dấu ấn thăng trầm của lịch sử”. Khách đi bộ, lần lượt qua những điểm ghi dấu ấn về mốc thời gian lịch sử gắn với Huế. Điểm cuối của tour là Đại Nội - Huế, nơi ghi lại nhiều dấu ấn, nhất là sự kiện chấm dứt chế độ phong kiến cuối cùng ở nước ta. Đơn vị tổ chức tour muốn gửi gắm, bằng hình thức đi bộ, du khách có thời gian, những khoảng lặng để lịch sử “thấm” nhiều hơn.

Bạn Lê Đức Anh (đến từ Thanh Hóa) tham gia tour chia sẻ: Lịch sử nước nhà em đã được học, nhưng phải đến tận nơi, được nhìn, chạm và nghe mới hiểu được hết những giá trị. Em có đọc qua sự kiện trao ấn kiếm tại Ngọ Môn, song đứng ngay ở địa điểm trao ấn kiếm cách đây 74 năm, em cứ mường tượng cảnh trao ấn kiếm như diễn ra ngay bên cạnh.

Sau khi tham quan Đại Nội, qua giới thiệu của hướng dẫn viên, nhóm của bạn Đức Anh quyết định đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (trên đường 23/8) để tìm những hiện vật, hình ảnh liên quan đến sự kiện trao ấn kiếm, nghe những câu chuyện về những giai đoạn cách mạng ở Huế.

“Em thấy yêu lịch sử nước nhà hơn lúc nào hết và càng trân quý những hy sinh của bậc cha anh” bạn Đức Anh xúc động.

Đến Huế, một nhóm du khách từ địa đầu Tổ quốc Hà Giang muốn tìm hiểu kỹ hơn về sự kiện trao ấn kiếm. Người đảm nhiệm thuyết minh hôm đó là Thu Trâm. Nữ thuyết minh viên giới thiệu: “Ngọ Môn nơi mà đoàn chúng ta đang đứng, đây là nơi tổ chức các cuộc lễ lớn của triều đình nhà Nguyễn, như Truyền lô (đọc tên các tiến sĩ tân khoa), Lễ Ban sóc (phát lịch năm mới), Lễ Duyệt binh hàng năm…

Ngày 30/8/1945 tại Quảng trường Ngọ Môn đã diễn ra cuộc mít tinh, diễu hành của hàng vạn quần chúng cách mạng, chứng kiến vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, hoàng đế Bảo Đại ban chiếu thoái vị và trao ấn kiếm cho đại diện Chính quyền Cách mạng lâm thời, chấm dứt vĩnh viễn thời đại quân chủ đã tồn tại hàng nghìn năm ở Việt Nam.

Sau năm 1975 cho đến nay, Quảng trường Ngọ Môn được sử dụng cho các hoạt động và tổ chức những sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của dân tộc và của địa phương như lễ đón giao thừa, khai mạc, bế mạc các kỳ Festival Huế…”.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sự kiện lịch sử trao ấn kiếm là một nội dung quan trọng trong bộ thuyết minh, hiện đã được đưa vào Audio guide (thuyết minh tự động) của trung tâm. Tùy theo từng đoàn mà nhu cầu thuyết minh nội dung này nhiều hay ít, riêng vào khoảng thời gian cuối tháng 8 và đầu tháng 9 này, thuyết minh nhiều hơn, nhất là những đoàn cựu chiến binh, học sinh, sinh viên tìm hiểu về lịch sử.

Thuyết minh viên Thu Trâm nhớ lại cách đây không lâu, có một đoàn khách là các phóng viên từ Lào sang tìm hiểu lịch sử Việt Nam. Khi được giới thiệu về giai đoạn lịch sử chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng, họ ghi chép rất cẩn thận và đặt những câu hỏi về những tư liệu, những bảo vật được lưu lại, những người chứng kiến lịch sử có còn sống... Sự kiện trao ấn kiếm luôn được du khách quan tâm.

Thêm sức hút cho Huế

Hội Lữ hành cho biết, không chỉ khách nội địa, nhiều khách quốc tế khi đến tham quan Huế rất muốn tìm hiểu về lịch sử, những giai đoan lịch sử quan trọng của Huế. Chính lịch sử, văn hóa tạo cho Huế sức hút, để giữ nguồn khách truyền thống Tây Âu và Bắc Mỹ.

Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch cho hay, ngoài sự kiện lịch sử trao ấn kiếm, đến Huế vào giai đoạn này, nhiều du khách còn được kết hợp tham gia tour “Theo dấu chân Bác”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền tuổi thơ ở Huế và cũng là người có ảnh hưởng lớn nhất đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Với tour này, các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến tham quan Trường Quốc Học, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở 112 Mai Thúc Loan và Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nổ… Hình thức tham quan là đạp xe, hay đi xích lô, làm cho hành trình khám phá thêm độc đáo, khác biệt.

Những ngày này, Công ty CP Du lịch DMZ tổ chức cuộc thi ảnh về trải nghiệm Huế, khám phá những điểm du lịch tiềm năng, mới lạ tại Huế, nhất là những địa điểm, sự kiện liên quan đến lịch sử cách mạng nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Chị Huỳnh Tiểu Phương, phụ trách truyền thông của công ty cho biết, cuộc thi không giới hạn, người Việt Nam, quốc tế đang sinh sống, làm việc hoặc đang du lịch tại Huế tham gia, nhằm hướng đến giới trẻ thêm yêu và tự hào về lịch sử của dân tộc. Qua một thời gian tổ chức, ngoài những bức ảnh về phong cảnh, đa số là hình ảnh về các điểm di tích, lịch sử cách mạng và chủ đề về Bác Hồ được gửi đến tham gia nhiều nhất.

Gần đây, nhiều đoàn làm phim, bloger, đoàn phóng viên báo chí… trên thế giới đến tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Huế; qua đó, có những bài viết giúp Huế quảng bá.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cho biết, trong chuyến khám phá trải nghiệm Huế gần đây của bloger Eric Thomas Stoen, bloger này chia sẻ, Huế có thế mạnh là văn hóa, lịch sử, những câu chuyện sẽ là một hành trình khám phá nếu khai thác và có cách dẫn dắt tốt.

Những dấu mốc quan trọng như lễ thoái vị, chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam cần được tái hiện, theo hình thức biểu diễn để phục vụ công chúng; giúp du khách có cách nhìn chính xác hơn về lịch sử khi được những người có chuyên môn thực hiện.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG