Cảng Chân Mây hiện nay vẫn hạn chế trong đón khách vì phải đón cả tàu hàng (Ảnh Đại Phong)
Theo các đại biểu tham gia hội thảo, nếu hệ thống hạ tầng du lịch và dịch vụ chất lượng tốt, phát triển đồng bộ sẽ có tác động to lớn đến kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho Huế. Nhưng với nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế, không chỉ riêng Huế mà cả nước luôn gặp khó trong đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế; trong đó, du lịch và dịch vụ là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất.
Để có nguồn vốn, mô hình hợp tác công - tư (PPP) luôn là một trong những phương án huy động vốn được ưu tiên lựa chọn trong triển khai các dự án đầu tư hạ tầng du lịch và dịch vụ.
Tuy nhiên, sự am hiểu về về hình thức hợp tác công - tư hiện vẫn chưa cao. Tính pháp lý về sự hợp tác này vẫn chưa thật cụ thể nên khiến các địa phương; trong đó có Huế khó khăn trong triển khai, thu hút hợp tác.
Hội thảo được một số diễn giả trình bày các tham luận, như khung pháp lý tại Việt Nam về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; các mô hình phát triển dự án đối tác công tư và hình thức hợp đồng dự án; kinh nghiệm triển khai hợp tác công tư cho lĩnh vực du lịch tại Hồng Kông; thực tiễn triển khai một số dự án hợp tác công tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế…
Với những giải pháp được chia sẻ, các đại biểu kỳ vọng sẽ giúp Huế đưa ra các mô hình khuyến khích nguồn vốn đầu tư tư nhân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong khai thác vận hành về đầu tư công - tư trong thời gian đến.
Tin, ảnh: Quang Sang