Tàn phá rừng nhiệt đới Amazon sẽ để lại hậu quả vô cùng thảm khốc cho toàn nhân loại. Ảnh: The Australian

Gần 73.000 vụ cháy, hầu hết trong số đó đều là những vụ cháy do con người cố tình tạo ra một cách bất hợp pháp để dọn đường phát triển nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và đầu cơ bất động sản đã biến rừng nhiệt đới Amazon đứng trước tình trạng nguy cấp. Các vụ cháy rừng vừa qua đã và đang tàn phá rừng Amazon, tức tàn phá hệ sinh thái tạo ra một lượng Oxy khổng lồ cho hành tinh. Điều này cũng dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế rằng “bể chứa Carbon” lớn nhất thế giới đã và đang bị phá hủy, tờ Khmer Times ngày 29/8 đưa tin.

Từ thất vọng đến thương tiếc, những cá nhân và các tổ chức quan tâm đến vấn nạn này đang cố gắng tìm cách kiềm chế sự tàn phá thiên nhiên do con người tạo ra ở Amazon.

“Ngôi nhà của chúng ta đang bị đốt cháy”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên trang Twitter, kêu gọi các cuộc đối thoại khẩn cấp tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa kết thúc tại Biarritz (Pháp).

Mặc dù các vụ cháy rừng xảy ra hằng năm ở Amazon, đặc biệt là khi mùa khô bắt đầu, song trong năm nay, số liệu ghi nhận tăng đến 84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà khoa học cho biết, sự phá hủy đang diễn ra sẽ gây nên hậu quả thảm khốc cho Brazil và thế giới. Tờ The Guardian dẫn lời Carlos Nobre, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu tại Đại học Sao Paulo nhận định, nạn phá rừng đang gia tăng đã đẩy rừng nhiệt đới Amazon đến gần hơn với nguy cơ trở thành một thảo nguyên khô cằn, kéo theo tác động tiêu cực cho khí hậu, động vật hoang dã...

Nạn phá rừng đã chứng kiến mức tăng 20% - 30% trong năm nay và lần đầu tiên trong lịch sử, có thể 10.000km2 rừng sẽ bị phá hủy trong hơn 10 năm tới.

Cũng theo nhà nghiên cứu Carlos Nobre, phần lớn số vụ cháy là do các bộ trưởng Brazil cho rằng điều này sẽ tạo ra không gian thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong thời gian ngắn, có thể nó đúng. Song tính đến kế hoạch dài hơi, tác động kinh khủng của nạn phá rừng sẽ là dấu chấm hết cho sự phát triển kinh tế.

Hiện nay, một trong những cách còn lại để ngăn chặn nguy cơ mất rừng là thông qua hành động của các tổ chức bảo vệ môi trường trên toàn cầu và cả của người tiêu dùng. Điều này được nhà nghiên cứu Nobre khẳng định sẽ có hiệu quả khi các chính trị gia Brazil rất quan tâm đến áp lực quốc tế.

Trong một dữ kiện có liên quan, Thomas Lovejoy, đồng tác giả nghiên cứu về rừng Amazon cho biết đây là một trong những khoảnh khắc đen tối nhất đối với rừng nhiệt đới, lá phổi xanh của nhân loại. Tuy nhiên, 20 triệu USD viện trợ từ nước ngoài, chính xác hơn là viện trợ từ G7 đã góp phần nhấn mạnh cam kết sẽ dập tắt những đám cháy kinh hoàng ở Amazon. Trong đó, khoản tiền được sử dụng nhằm phân phối và điều động máy bay chữa cháy đến hiện trường đối phó và dập tắt các đám cháy ở cánh rừng này.

Tờ China Daily trích dẫn một tuyên bố khác của giới chuyên gia: "Không có rừng, sẽ không có bất kỳ sự phát triển nào".

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Khmer Times)