Những giá trị văn hóa, lịch sử của các di sản này cho đến nay được ghi nhận ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, việc nhìn nhận và đánh giá đúng tầm quan trọng của chúng đối với môi trường sống của cư dân đô thị (trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang nỗ lực giảm thiểu các hiểm họa từ thiên tai và biến đổi khí hậu) vẫn chưa được tiến hành một cách toàn diện và khoa học.

Xét về vị trí địa lý, các khu lăng tẩm triều Nguyễn đều nằm ở vùng thượng nguồn sông Hương, tựa lưng vào vùng đồi núi phía tây nam thành phố. Đây cũng là nơi khởi nguồn hoặc gần với đầu nguồn của nhiều nhánh sông, suối đổ ra sông Hương, nơi các vua Nguyễn tận dụng các yếu tố sẵn có trong tự nhiên cải tạo hoặc đào mới các hồ trong khu vực lăng tẩm phục vụ cho nhu cầu phong thủy của công trình, như hồ Dài, hồ Trường Phong (khu vực lăng vua Gia Long), hồ Tân Nguyệt, hồ Trừng Minh (lăng vua Minh Mạng), hồ Nhuận Trạch, hồ Ngưng Thúy, hồ Điện (lăng vua Thiệu Trị)…


Khách du lịch tham quan lăng Tự Đức.

Giữa một vùng đồi núi trải dài dọc hai bở sông Hương từ điểm xa nhất là Thiên Thọ Lăng (lăng vua Gia Long) thuộc làng Định Môn (Hương Thọ, Hương Trà) đến điểm gần nhất là An Lăng (lăng vua Dục Đức) thuộc phường An Cựu, những dòng nước, hồ ao tạo thành một mạng lưới nối kết với nhau hoặc tồn tại độc lập, nhưng tất cả đều nối với sông Hương, vì thế, ít nhiều đóng góp vào những biến động môi trường nước của đô thị Huế với sông Hương, trục chính đóng vai trò chủ đạo cung cấp nước cho cả thành phố. Dưới góc nhìn của những người làm công tác nghiên cứu môi trường, những biến động này có thể liên quan đến mực nước vùng hạ lưu vào mùa lũ lụt, đến chất lượng nước... Vì thế, nghiên cứu môi trường nước của đô thị Huế không thể không nghiên cứu cả mạng lưới hồ, sông, suối ở các lăng tẩm tại khu vực thượng nguồn.
 
Việc lựa chọn vị trí lăng tẩm của các vua Nguyễn trước hết
vào các đặc điểm như núi, sông tự nhiên, rồi mới có quy hoạch, cải tạo hoặc bổ sung thêm để hoàn chỉnh quần thể này theo đúng ý đồ của chủ nhân. Nét đặc trưng nhất của việc quy hoạch chính là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan, trong đó mặt nước là một yếu tố không thể thiếu. Việc ngăn chặn, làm cản trở dòng nước là một trong những điều cấm của triều đình để bảo vệ ý nghĩa phong thủy thiêng liêng huyền bí của khu vực. Vì thế, việc nghiên cứu phục hồi môi trường sinh thái khu vực lăng tẩm các vua Nguyễn cần có sự hiểu biết sâu rộng về ý nghĩa biểu tượng của các yếu tố cấu thành di tích, đặc biệt là trong mối liên quan đến phong thủy-lý thuyết về sự kết hợp hài hòa giữa môi trường của tự nhiên với môi trường của con người, nhằm có định hướng đúng trong việc bảo vệ tính toàn vẹn và chân xác của cảnh quan văn hóa trong khu vực.
 

Sông Hương đoạn qua Phu Văn Lâu.

Dưới tác động của nhiều biến đổi trong tự nhiên, của chiến tranh và tốc độ đô thị hóa đang ngày càng gia tăng, những yếu tố tự nhiên nằm ngoài phạm vi giới hạn của các lăng tẩm như rừng cây, dòng nước hoặc đồi núi đã, đang và sẽ dần dần bị mai một, bị biến dạng hoặc bị phá hủy. Nói cách khác, cảnh quan văn hóa của các lăng tẩm-yếu tố đem lại giá trị nổi bật toàn cầu của di sản sẽ bị hủy hoại nếu không có những nghiên cứu tổng thể, toàn diện để kịp thời bảo vệ chúng.
 
Với những ý nghĩa mang đậm sắc thái triết lý phương Đông, quy hoạch lăng tẩm của các vua Nguyễn là sự kết hợp giữa nghệ thuật kiến trúc - tạo cảnh sáng tạo của Việt Nam với những lợi thế của cảnh quan môi trường tự nhiên của Huế, khiến lăng tẩm các vua Nguyễn là hội tụ những giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo duy nhất ở Việt Nam. Cũng chính môi trường cảnh quan của quần thể các lăng tẩm vua Nguyễn với sự góp mặt của núi, sông, hồ, suối và rừng phong thủy đã góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái cho khu vực thượng nguồn sông Hương, trở thành những lá phổi xanh cho đô thị Huế. Việc bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái lịch sử ở các khu lăng tẩm triều Nguyễn sẽ không chỉ là bảo vệ tính toàn vẹn và chân xác của di tích, mà còn là sự bảo vệ bền vững môi trường sống cho cộng đồng cư dân địa phương.
 
Huỳnh Thị Anh Vân