Người dân Hương Vân chăm sóc sắn vào những ngày nắng nóng

Mùa vụ khó

Tại các địa phương như, Phong Điền, Hương Trà, A Lưới,… cây sắn đang mang lại thu nhập khá cho nông dân. Mặc dù chịu sự tác động của thị trường nhưng cây sắn của nông dân vẫn có đầu ra khá ổn định nhờ các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở các địa phương. Sắn của Thừa Thiên Huế còn được bán tại các tỉnh, thành lân cận.

Từ khoảng tháng 2-3 âm lịch, người trồng sắn bắt đầu xuống vụ. Năm nay, trước sự biến động của thời tiết, người trồng sắn trải qua một mùa vụ khó. Nắng nóng kéo dài khiến hàng trăm ha sắn của nông dân bị sâu bệnh, chậm phát triển. Cận kề vụ thu hoạch, nắng hạn thuyên giảm, có mưa nên cứu vãn được phần nào năng suất. Song, người trồng sắn vẫn tỏ ra lo lắng bởi mùa mưa, những diện tích ở vùng thấp trũng rất dễ ngập úng, thiệt hại.

Những ngày này, bà Nguyễn Thị Hoa (phường Hương Vân, TX. Hương Trà) đang tất bật chăm sóc hơn 8 sào sắn. Không như thời điểm này năm ngoái, cây sắn của bà Hoa đang gặp sâu bệnh, dự kiến năng suất không như ý. “Nắng nóng kéo dài, nhện đỏ sinh trưởng và phát triển mạnh, đặc biệt là số diện tích được trồng trên vùng đất cao. Theo kinh nghiệm trồng sắn của tôi, do sâu bệnh hoành hành đúng vào giai đoạn phát triển củ nên năng suất sắn không cao bằng mọi năm. Để phòng ngừa sâu bệnh, ngoài bổ sung nước, tui còn phải dùng các biện pháp diệt nhện đỏ và chăm sóc thường xuyên. Dự kiến mỗi sào sắn vụ này chỉ chưa đến 1,5 tấn”, bà Hoa chia sẻ.

Vụ sắn này, toàn thị xã Hương Trà gieo trồng khoảng 720ha, số diện tích này đã cho củ và dự kiến thu hoạch vào khoảng tháng 9 này. Ngoài ra, tại những vùng đất cao, người trồng có thể thu hoạch vào cuối năm. “Hiện nay đang có mưa to nên cây sắn ở vùng cao hạn dần hồi phục và phát triển trở lại. Diện tích bị nhện đỏ gây hại toàn thị xã giảm còn khoảng 200ha, tỷ lệ phổ biến 10 - 20%, nơi cao 20 - 40% cây bị hại. Thời gian tới, người dân cần tiếp tục theo dõi, phòng trừ sâu bệnh bởi nhện đỏ có thể tiếp tục gây hại cục bộ trên diện tích đất cao hạn”, ông Đoàn Phước Lễ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Trà cho biết.

Tình hình sâu bệnh cũng diễn ra trên nhiều diện tích sắn ở các địa phương. Tại huyện Phong Điền, vụ sắn năm nay, toàn huyện đưa vào gieo trồng khoảng 1.206 ha, tập trung ở các địa phương như, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong An... Người trồng sắn ở Phong Điền cũng không mấy thuận lợi bởi thời tiết nắng nóng, sâu bệnh hoành hành. “Sắn thường được trồng từ 6-7 tháng mới cho thu hoạch. Hằng năm, sắn của người dân được Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế thu mua. Giá cả tùy theo biến động của thị trường. So với các năm trước, vụ sắn này gặp khó hơn nhiều bởi lúc sắn phát triển củ gặp hạn hán gay gắt nên chất lượng củ không cao”, ông Trần Thanh Quốc (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) nói.

Diện tích sắn ở vùng thấp trũng rất dễ bị thiệt hại vào mùa mưa lũ

“Né” lũ

Thời điểm này đang bước vào mùa mưa bão. Với người trồng sắn, chỉ cần một cơn lũ kéo dài vài ngày thì số diện tích được trồng ở vùng thấp trũng có thể tiêu tan. Mùa mưa lũ năm 2018, nhiều diện tích sắn tại huyện Phong Điền bị ngập dài ngày trong nước lũ dẫn đến mất trắng, số diện tích vớt vát được bán với giá rẻ khiến thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng.

Điệp khúc “Trước lũ được mùa, sau lũ mất trắng” năm nào cũng diễn ra. Năm ngoái lũ rút, hàng trăm hộ dân phải đổ xô thu hoạch sắn ngập úng. “Năm 2018, 5 sào sắn của gia đình tôi bị nước lũ ngâm dài ngày, dẫn đến thối củ. Bình thường giá sắn giao động từ 2.000 – 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên sau mưa lũ, giá sắn rớt chưa đến 1.500 đồng/kg. Bây giờ đang vào mùa mưa lũ nên chúng tôi phải chủ động các phương án thu hoạch đối với diện tích đã đạt tiêu chuẩn”, ông Nguyễn Quang Anh (xã Phong An) chia sẻ.

Với đặc điểm khí hậu tại Thừa Thiên Huế và khung lịch thời vụ, người trồng sắn tại các địa phương rất khó “né” lũ khi vào mùa thu hoạch. Do vậy, người dân cần theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết để chọn thời điểm hợp lý. Hiện, nhiều hộ dân cũng đã chọn phương án trồng rải vụ để “ứng phó” mưa bão. Với phương án trồng này, người dân không đóng khung theo mùa vụ và có thể thu hoạch sắn vào các thời điểm họ muốn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Điền, khoảng gần 1 tháng nữa, sắn tại địa phương này sẽ cho thu hoạch đại trà. Các cơ quan chuyên môn đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn sâu bệnh gây hại trên cây sắn. Cận kề mùa mưa bão, chính quyền các địa phương khuyến cáo người trồng thường xuyên theo dõi và có cách thu hoạch hợp lý để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 6.048 ha sắn đang trong thời gian sinh trưởng và thu hoạch. Thời vụ thu hoạch của loại cây này kéo dài từ nay cho đến cuối năm. “Sau thu hoạch lúa người dân sẽ bắt tay vào thu hoạch sắn. Đây là loại cây nông nghiệp hàng năm mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở các địa phương. Hiện, đối với những diện tích “đủ tuổi” thu hoạch người dân cần có những phương án thu hoạch hợp lý để tránh rủi ro của thời tiết. Ngoài ra, cần tăng cường chăm sóc để phòng sâu bệnh và theo dõi diễn biến thời tiết”, ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ.

Bài, ảnh: L.Thọ - L.Minh