Trung Quốc và vi phạm

Trong những ngày vừa qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã quay trở lại và tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được xác định theo quy định của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trước những hành động sai trái này, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút tất cả các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không làm gia tăng căng thẳng.

Những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục bị lên án. Ảnh: The Epoch Times

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay khi phát hiện sự việc, các lực lượng có thẩm quyền trên biển của Việt Nam đã tiếp tục triển khai nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo đúng luật pháp quốc tế và luật pháp của đất nước. Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước, cùng lúc đóng góp cho hòa bình, ổn định và an ninh khu vực cũng như quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế triển khai những đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình và an ninh khu vực, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, đồng thời tôn trọng luật pháp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Mỹ và Australia lên án

Với hành động của Trung Quốc, Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho rằng Trung Quốc đang xâm phạm và can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam ngay tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Điều này đặt ra một dấu chấm hỏi lớn về các cam kết của Trung Quốc, bao gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, tức ứng xử của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho hay.

Theo ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ thực hiện từ giữa những năm 90, Biển Đông có thể chứa 28 tỷ thùng dầu. Kể từ sau giai đoạn này, nhờ sự hỗ trợ trong cải tiến công nghệ, con số ước đạt đáng lẽ có thể còn cao hơn nhiều. Trước nguồn tài nguyên to lớn này, Trung Quốc tham vọng muốn giành miếng bánh lớn nhất.

Theo Mỹ, các hành động vi phạm của Trung Quốc đã ngăn chặn quyền tiếp cận của các nước láng giềng đối với nguồn tài nguyên dầu khí chưa khai thác có giá trị lên đến khoảng 2,5 nghìn tỷ USD. Cụ thể, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động gần Bãi Tư Chính, ngay tại nơi mà cách đây 2 năm, Trung Quốc đã đe dọa Việt Nam về dự án thăm dò dầu khí do đối tác Tây Ban Nha Repsol tiến hành.

Nhằm ngăn chặn những hành động sai trái, đồng thời đóng góp một phần nỗ lực tạo nên thế cân bằng trong mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và Mỹ, nhất là khi hai cường quốc đang cố gắng tạo ảnh hưởng vào Đông Nam Á, tới đây, Mỹ và 10 quốc gia thành viên ASEAN sẽ tổ chức tập trận hàng hải chung lần đầu tiên. Cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 2-6/9. Đại sứ quán Mỹ tái khẳng định, cuộc tập trận chung kéo dài 5 ngày này được tổ chức với mục tiêu chính là “duy trì an ninh hàng hải, tập trung vào phòng chống các hành vi sai trái trên biển”.

Trong sự kiện diễn tập, các cuộc tập trận sẽ chủ yếu diễn ra ở khu vực ngoài khơi tỉnh Cà Mau, nơi hải quân Mỹ sẽ điều động “những chiếc thuyền khả nghi” trong một cuộc tập trận giả để giúp hải quân Việt Nam “tìm kiếm, xác minh và khởi tố hợp pháp” các tàu vi phạm.

Không chỉ riêng Mỹ, chính phủ Australia vừa qua cũng kêu gọi các nước châu Á đứng lên bảo vệ “độc lập và chủ quyền của mình” nhất là khi căng thẳng và hành vi của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.

Đại diện Australia, Thủ tướng Scott Morrison cho biết nước này hoàn toàn ủng hộ “nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đó là về việc mỗi quốc gia trong khu vực đều có thể tin tưởng vào độc lập và chủ quyền của mình”.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Spartly Islands Confidential, The ASEAN Post & CNA)