Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) mong muốn đầu tư nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Thừa Thiên Huế. Trong ảnh: Đại diện tập đoàn làm việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Huế

Quy hoạch phát triển ĐMT quốc gia chưa được phê duyệt

Báo Thừa Thiên Huế và dư luận quan tâm việc tỉnh đang kêu gọi xúc tiến đầu tư, trong đó có các dự án ĐMT. Được biết trước đây tỉnh chọn mặt bằng để kêu gọi đầu tư - bây giờ lại ngược lại - doanh nghiệp phải tự đi thuê?..

Vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về cơ chế, quy hoạch, Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, quy hoạch phát triển ĐMT bao gồm quy hoạch phát triển ĐMT quốc gia, quy hoạch phát triển ĐMT cấp tỉnh; quy hoạch phát triển ĐMT làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển ĐMT, được điều chỉnh phù hợp với các nghiên cứu, đánh giá tiềm năng mặt trời trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên đến nay, quy hoạch phát triển ĐMT quốc gia chưa được phê duyệt, do đó sau khi quy hoạch quốc gia được phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch phát triển ĐMT cấp tỉnh.

Về diện tích đầu tư ĐMT, báo cáo của Sở Công thương cho biết, diện tích quy hoạch định hướng phát triển năng lượng mặt trời nằm chủ yếu trên địa bàn huyện Phong Điền, theo đó diện tích còn lại trên địa bàn huyện Phong Điền khoảng 275 ha (trong đó: các xã Điền Hương, Điền Môn, khoảng 95 ha; xã Phong Chương, khoảng 40 ha; xã Phong Hiền, khoảng 100 ha; xã Phong Hòa, khoảng 40 ha).

Hiện nay, tỉnh đang giao Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát và chuẩn xác ranh giới các khu vực định hướng phát triển ĐMT, đảm bảo yêu cầu để đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển điện lực và làm cơ sở bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng liên quan theo quy định, để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Không đầu tư ĐMT ở khu kinh tế, khu công nghiệp

Nhà máy Điện mặt trời tại huyện Phong Điền

Chủ trương của tỉnh là đối với chủ trương quy hoạch địa điểm phát triển điện năng lượng mặt trời, ngày 10/7/2019, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo Kết luận số 236/TB-UBND, theo đó định hướng phát triển các dự án nguồn điện từ năng lượng mặt trời như sau: Thống nhất chủ trương đến năm 2020, tập trung khoanh vùng phát triển điện mặt trời trên địa bàn huyện Phong Điền, tại các khu vực không có khả năng phát triển các lĩnh vực khác (hoặc hiệu quả thấp); tránh khu vực đã có rừng trồng, khoanh vùng bảo vệ khoáng sản và định hướng phát triển các ngành nghề khác.

Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất và dự trữ quỹ đất cho các lĩnh vực khác, thồng nhất chủ trương không phát triển các dự án đầu tư ĐMT trực tiếp sử dụng đất trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, do chưa có đánh giá cụ thể về tác động về môi trường và chất lượng nước khi phát triển ĐMT trên mặt nước các hồ nước đầu nguồn và đầm phá, nên tạm thời chưa xem xét chủ trương đầu tư dự án ĐMT trên mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Đối với các nhà đầu tư có nhu cầu nghiên cứu thì phải tiến hành song song nghiên cứu đánh giá tác động môi trường và phạm vi nghiên cứu phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, đề án liên quan khác đang được nghiên cứu trong cùng khu vực tác động. Đối với dự án ĐMT trên mái nhà, ủng hộ chủ trương nghiên cứu phát triển điện mái nhà tại các khu công nghiệp; việc phát triển điện mái nhà trong khu vực đô thị cần xem xét kỹ sự phù hợp kiến trúc cảnh quan và các đánh giá tác động môi trường sống của cư dân trong khu vực đô thị.

Yêu cầu các nhà đầu tư dự án ĐMT phải thành lập pháp nhân tại tỉnh để đảm bảo trách nhiệm đóng góp ngân sách địa phương, tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại khu vực hoạt động của dự án và xử lý các vấn đề phát sinh về môi trường.

Bài, ảnh: Thái Sơn