Học sinh các trường ở TP. Huế trải nghiệm làm tranh làng Sình để học bài học cuộc sống

Nhiều thực trạng đáng lo

Tại hội thảo “Văn hóa ứng xử trong trường học” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại ĐH Huế (cuối tháng 7/2019), tham luận của một đại biểu cho biết, trong một kết quả khảo sát của Bộ dành cho HSSV thì có đến 8,6% HS và 20,3 SV tự nhận mình thường xuyên nói tục, chửi bậy. Trong khi đó, thống kê của ngành công an, chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông (THPT).

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: “So sánh với các địa phương khác, HS Huế ngoan và Huế có rất ít các vụ việc nổi cộm về bạo lực học đường nhưng văn hóa ứng xử học đường vẫn có những điều đáng trăn trở, nhất là vấn đề lễ giáo ứng xử, cách chào hỏi của HS, phát ngôn trên mạng xã hội, tình trạng vi phạm giao thông…”

Ở bậc ĐH, TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng, khoảng cách giữa người thầy và người trò ở môi trường ĐH khá lớn khiến việc kiểm soát SV khó, dẫn đến những thái độ, hành vi của một bộ phận SV thiếu chuẩn mực, nhất là trong cách ăn nói, trang phục.

ThS. Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý & Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho rằng, căn nguyên của vấn đề trên chính là việc HSSV thiếu hệ thống kỹ năng sống, kỹ năng mềm cần thiết như: kỹ năng quản lý cảm xúc; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, xung đột; kỹ năng giao tiếp - ứng xử văn hoá học đường…

Thầy giáo Trần Thanh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu nhận định, môi trường hiện nay cũng tác động rất nhiều, nhất là ảnh hưởng mặt trái của mạng xã hội. Một số phụ huynh không gương mẫu làm ảnh hưởng đến con. “Thực tế, phụ huynh nói tục chửi thề khiến con nhiễm thói quen”, ông Dũng nói.

Cần sự liên thông & đồng bộ

Ông Tân cho biết, năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” và Bộ GD&ĐT cũng có thông tư hướng dẫn. Tại Huế, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và hiện nay sở đang chuẩn bị hoàn tất việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy tắc ứng xử trong học đường sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 9/2019 sau đó ban hành để các trường tổ chức thực hiện. Việc xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử phù hợp với từng cấp bậc, vùng miền, cho cả giáo viên và HS. Riêng các trường, tùy theo các đặc trưng riêng cũng có thêm quy định phù hợp. Ngoài ra, sở cũng đang hoàn thiện đề án nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa con người Huế cho học sinh từ mầm non đến tiểu học và trung học để đưa vào áp dụng trong học kỳ 1 năm học 2019 - 2020.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, nhiều giải pháp nhưng phải luôn cần sự liên thông và đồng bộ từ các cơ quan, ban ngành, từ bậc mầm non lên ĐH. HS phải được tạo thói quen từ nhỏ, từ bậc mầm non thì hiệu quả mang lại mới thực sự như mong muốn. Đặc biệt là sự chung tay từ phía gia đình và nhà trường.

Bài, ảnh: MINH TÂM