Khả năng thoát lũ của đập Cửa Lác hiện nay là chưa đảm bảo, chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% lưu lượng mưa lũ và khoảng 50% lưu lượng lũ
Theo ông Hùng cũng như qua đánh giá của các ngành chức năng về khả năng thoát lũ của đập Cửa Lác cho thấy, lưu lượng thoát tối đa qua các cửa cống là khoảng 686m3/s. Lưu lượng bình quân mưa lũ tại Cửa Lác khoảng 2.270m3/s (trong đó, đã tính đến diện tích lưu vực cửa sông Thác Mã và sông Vĩnh Định đổ vào sông Ô Lâu). Lưu lượng lũ tiểu mãn qua Cửa Lác là 1.320m3/s.
Như vậy, khả năng thoát lũ của đập Cửa Lác hiện nay là chưa đảm bảo, chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% lưu lượng mưa lũ và khoảng 50% lưu lượng lũ; gây nên tình trạng thường xuyên ngập úng vùng đồng bằng hạ du sông Ô Lâu.
“Để đáp ứng khả năng thoát lũ và giải quyết tình trạng ngập úng kéo dài, đập Cửa Lác cần nâng cao trình đỉnh cửa van và trụ pin đến cao trình (+0,8m) để tăng khả năng giữ nước và ngăn mặn. Tăng thêm một số cửa thoát lũ tại 2 đập chính 30m (tương đương khoảng 12 cửa khẩu độ 2,5m). Cao độ đáy thoát lũ là -1,4m; nâng cao trình đỉnh đập lên +1m kết hợp với đường giao thông. Nạo vét, khơi thông thượng hạ lưu để tăng khả năng thoát lũ”, ông Phan Thanh Hùng đề xuất.
Hiện đập Cửa Lác có cầu giao thông rộng 2,5m tạo điều kiện cho việc đi lại của người dân và các phương tiện giao thông thô sơ nối 2 bờ xã Quảng Thái (Quảng Điền) và xã Điền Hòa (Phong Điền), nhưng do độ dốc tại các đầu cầu khá cao, nên xe cộ lên xuống cầu rất khó khăn, dễ xảy ra tai nạn.
Được biết, đập ngăn mặn Cửa Lác xây dựng năm 1970, nâng cấp năm 1997. Nhiệm vụ của đập Cửa Lác là ngăn mặn, giữ ngọt cho 5.225 ha lúa đông xuân và hè thu thuộc 9 xã nằm dọc theo sông Ô Lâu thuộc 2 huyện Phong Điền, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) và 7 xã của huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ngoài ra, đập Cửa Lác còn làm nhiệm vụ tháo lũ, giao thông thủy phục vụ dân sinh và môi trường cho hạ lưu sông Ô Lâu.
Tin, ảnh: Anh Phong