BV Hương Thủy dùng đồ thủy tinh để lấy bệnh phẩm máu

Rác thải y tế ngày càng tăng

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế” hôm 16/8, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, mỗi năm toàn ngành y tế phát sinh khoảng 21,3 ngàn tấn chất thải y tế nguy hại và hơn 116 ngàn tấn chất thải sinh hoạt khác. Chất thải trong ngành y tế phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế, như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao… Bên cạnh đó là khối lượng lớn rác thải sinh hoạt dùng một lần để bao gói, sử dụng ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, tổng lượng chất thải phát sinh của các cơ sở y tế trên địa bàn vào năm 2018 là hơn 358 tấn; trong đó, có 14 BV công lập có giường bệnh nội trú phát sinh hơn 305 tấn; 80 trạm y tế (TYT) và phòng khám đa khoa khu vực gần 11 tấn; số còn lại thuộc 5 cơ sở đào tạo nghiên cứu và y tế dự phòng. Trong tổng số chất thải phát sinh nói trên, lượng chất thải lây nhiễm gần 41 tấn; chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm khoảng 4 tấn. Ngoài ra, khối lượng nước thải y tế phát sinh trong các đơn vị BV, TYT... nói trên là 221.520m3/năm; trong đó 14 BV công lập hơn 143.170m3/năm; 80 TYT là hơn 5.383m3/năm.

Theo đại diện lãnh đạo CDC tỉnh, những con số trên mới cập nhật khoảng hơn 50% cơ sở y tế, khám chữa bệnh trên địa bàn và chưa tính BV Trung ương Huế. Đại diện đơn vị này cũng nhận định, với các sản phẩm nhựa dùng một lần trong y tế, như bơm kim tiêm dùng một lần hay dụng cụ, thiết bị dùng một lần trong phẫu thuật, xét nghiệm, như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm... (góp phần loại trừ nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm các hoạt động chuyên môn y tế...) cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh lượng chất thải y tế lớn. Ngoài ra, cùng với phát triển của các cơ sở y tế về quy mô lẫn việc thực hiện thêm nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh đông, hàng năm lượng chất thải phát sinh của ngành y tế trên địa bàn sẽ tăng.

Phân loại rác thải nhựa tại BV thị xã Hương Trà

Những cách làm hay

Từ năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 58 quy định về quản lý chất thải y tế. Thực hiện thông tư này, hàng năm ngành y tế tổ chức tập huấn, tiến hành kiểm tra việc thu gom, quản lý chất thải rắn tại các cơ sở y tế. Cùng với hoạt động trên, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa bằng cách tổ chức phân loại rác đầu nguồn và xử lý đúng quy trình ở đơn vị.

Tại các bệnh viện huyện, thị xã như Phú Vang, Hương Thủy, Hương Trà... từ năm 2015 đã áp dụng mô hình “5S-sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng” trong quản lý, tạo môi trường làm việc chất lượng. Bác sĩ CK II Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc BV thị xã Hương Thủy chia sẻ, mô hình "5S" giúp nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh, người nhà bệnh nhân để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Trao đổi về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế, Giám đốc BV thị xã Hương Thủy cho rằng, mỗi ngày đơn vị khám, điều trị gần 1 ngàn bệnh nhân nội, ngoại trú. Lượng chất thải y tế mỗi ngày tại đơn vị là không ít; trong đó có chất thải nhựa. Để giảm thiểu chất thải này như đã ký cam kết với ngành, BV thị xã Hương Thủy sẽ sớm triển khai nhằm hạn chế triệt để việc sử dụng các hộp xốp đựng cơm cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; nhân viên y tế dùng 1 lần các chai nhựa đựng nước uống, ống hút nhựa, ly tách... Thay vào đó sẽ chuyển sang các bình, ly nước bằng thủy tinh, sành sứ, hoặc đồ dùng thân thiện với môi trường. Riêng các túi nilông đựng thuốc, vỉ thuốc, chai dịch truyền... không thể giảm ngay vì phụ thuộc vào các công ty cung cấp thuốc, vật tư y tế... Đây là điều cần có sự chung tay của cả hệ thống.

BV thị xã Hương Trà, sau khi ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa với Sở Y tế mới đây, đơn vị này tiến hành treo các băng rôn, áp phích ở những nơi có đông người với những khẩu hiệu vận động nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hạn chế tối đa việc sử dụng các vật dụng làm phát sinh chất thải nhựa, thay thế bằng các vật dụng làm từ giấy, thủy tinh...

Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, giữa tháng 8 vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức ký cam kết với các đơn vị, cơ sở y tế trực thuộc về giảm thiểu rác thải nhựa. Qua đó, tập huấn hướng dẫn cho cán bộ y tế vệ sinh, thu gom phân loại rác thải nhựa và xử lý đúng quy trình; tổ chức tuyên truyền cho người bệnh và người nhà bệnh nhân thay đổi thói quen về đồ dùng sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa để đảm bảo môi trường xanh-sạch-đẹp trong các cơ sở y tế. Đây là một trong những tiêu chí mà Sở Y tế đưa vào đánh giá xếp loại thi đua hàng năm cho các cơ sở y tế trên địa bàn.

Bài, ảnh: Minh Văn