Lời kêu gọi của ông đã huy động được cả hệ thống chính trị và người dân hưởng ứng. Hơn thế nữa, đâu đó có cả… người nước ngoài.

Hệ thống chính trị hưởng ứng thì phải rồi. Nói một cách khác là phải “phục tùng”. Chẳng những “phục tùng” mà phải làm sao cho có hiệu quả. Khi chủ trương làm cho Huế sạch, ở đâu đó cũng có lời ra tiếng vào, đại loại như: “Làm việc lớn thì không làm cứ đi nhặt rác”. Biết thế nào là việc lớn và thế nào là việc không lớn!? Việc lớn cũng làm và “việc nhỏ, sát sườn với người dân, với đô thị Huế cũng phải làm”. Có lần tôi được nghe ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói đại ý như thế này: “Nhặt rác không phải là việc nhỏ. Mà nếu như việc nhỏ chúng ta không làm được thì làm sao làm việc lớn. Tỉnh sẽ chỉ đạo hết sức quyết liệt chuyện này…”.

Sự chuyển biến của ý thức người dân mới là điều quan trọng và bền vững. Kết quả thì chúng ta đã thấy rõ. Mặc dù còn tiếp tục phải làm và nhiều việc phải làm, nhưng nhìn chung, Huế đã sạch hơn rất nhiều. Hãy nhìn cái chuyện xếp xe honda trên hè phố mà xem, xe phải đỗ đúng không gian qui định, đầu phải xoay ra ngoài đường. Nhiều tuyến phố đều răm rắp. Người dân không còn lấn chiếm vỉa hè buôn bán tràn lan như trước đây… Một chuyện “nhỏ” như vậy thôi nhưng chúng ta thấy hè phố quy củ hơn, đẹp hơn, nề nếp hơn. Nó phản ánh sự chuyển biến về ý thức của người dân. Làm đến khi nào ý thức của mỗi người dân về việc làm cho Huế sạch chuyển biến mạnh mẽ, trở thành một ý thức thường trực thì mới thôi.

Rõ ràng, lời “hiệu triệu” của Chủ tịch UBND tỉnh đã huy động được sức mạnh. Ba cây chụm lại mới nên hòn núi cao: Lãnh đạo cao cấp của tỉnh – hệ thống chính trị - người dân.

Lần này, nhân ngày khai trường, Chủ tịch UBND tỉnh lại viết thư gửi thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh.

Nội dung của thư nhắc nhở nhiều điều, nhưng tôi để ý thấy có hai lần ông lặp lại cụm từ - “Vì một Huế hạnh phúc”. Định nghĩa thế nào là hạnh phúc là rất khó, khó có thể làm thỏa mãn hết thảy mỗi người, nhưng tôi chắc chắn rằng: Con người hạnh phúc không phải được lấp đầy chung quanh mình vật chất, sự giàu sang phú quí, quyền cao chức trọng… mà chính là sự hài lòng, khát vọng cống hiến, sẻ chia. Một nhà văn ẩn danh viết một cuốn sách có đến hàng triệu người đọc, đặc biệt là lớp trẻ, từng trò chuyện: Mỗi người sinh ra trên đời đều mang một sứ mệnh. Bạn đã chọn nghề bác sĩ thì phải hết lòng vì bệnh nhân; bạn đã chọn nghề giáo thì phải hết lòng vì học sinh… Bạn sẽ thấy hạnh phúc khi thực hiện được sứ mệnh. Nếu làm khác những điều này, bạn đã không thực hiện được sứ mệnh của mình. Và đương nhiên, chưa hẳn là hạnh phúc.

Bhutan cũng là một đất nước kỳ lạ. Trong khi phần lớn trên thế giới không đưa chỉ số hạnh phúc của người dân vào tính GDP thì nước này đã làm. Một đất nước ¾ diện tích là cây xanh. Chính phủ và người dân tuyệt đối tôn trọng thiên nhiên. Họ không một mực chọn tăng trưởng mà chọn cách mà người dân sống có hài lòng về cuộc sống hay không!?

Phải chăng, hạnh phúc của Huế là: “Các bậc phụ huynh, giáo viên và các cấp chính quyền hãy cùng các em xây dựng, vun đắp vườn ươm giấc mơ Huế để nâng cánh ước mơ với tình yêu khát vọng mãnh liệt vì một Huế yên bình, hạnh phúc và phát triển”- lời trong thư của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Thanh Lê