Biểu đồ thể hiện nguyên nhân các ca tử vong trên thế giới. Ảnh: AFP

“Thế giới đang chứng kiến một sự chuyển đổi mới về dịch tễ học giữa các loại bệnh không lây nhiễm khác nhau, và bệnh tim mạch không còn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các nước có thu nhập cao”, ông Gilles Deganais - giáo sư danh dự tại Đại học Laval, Quebec, giải thích.

GS. Deganais nói rằng ung thư có thể trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới “chỉ trong một vài thập kỷ nữa”.

Trên phạm vi toàn cầu, bệnh tim vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người trung niên, chiếm hơn 40% số ca tử vong, với tổng số 17,7 triệu người chết vì nguyên nhân này trong năm 2017.

Với việc theo dõi hơn 160.000 người trưởng thành ở các nước có thu nhập cao, trung bình và thấp trong suốt một thập kỷ, nghiên cứu xác định rằng người dân ở các quốc gia nghèo hơn có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp 2,5 lần so với những người đang sống ở những quốc gia giàu hơn.

Ngược lại, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các bệnh không lây nhiễm như ung thư và viêm phổi lại ít phổ biến hơn ở các quốc gia có thu nhập thấp so với những nước giàu hơn.

Một nghiên cứu thứ hai, cũng được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu ở Canada, phát hiện ra cái gọi là “các nhân tố nguy cơ có thể thay đổi” gây ra 70% các ca bệnh tim toàn cầu. Các nhân tố này bao gồm chế độ ăn uống, nhân tố hành vi và kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, bệnh tim còn có mối liên hệ chặt chẽ với ô nhiễm không khí và trình độ học vấn thấp.

“Chính phủ của các nước có thu nhập thấp và trung bình cần bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa và quản lý các bệnh không lây nhiễm bao gồm cả bệnh tim mạch, thay vì tập trung chủ yếu vào các bệnh truyền nhiễm”, ông Salim Yusuf, giáo sư y khoa tại Đại học McMaster cho biết.

Anh Tuấn (Lược dịch từ AFP)