Hai thầy trò Nguyễn Văn Hiền & Nguyễn Thị Thùy Linh - người ghi tên mình vào lịch sử thể thao Thừa Thiên Huế. Ảnh: Hàn Đăng
Từ bóng... lóng ngóng sang cầu
Là “chim mồi” có hạng trên hàng công không chỉ của bóng đá Huế, đồng thời được gọi vào tuyển Việt Nam tham dự vòng loại châu Á (12/1999), nhưng thời điểm đó, với lý do sức khỏe, Nguyễn Văn Hiền (Hiền A) đành chia tay vị trí không ít cầu thủ ao ước.
Sau một thời gian thi đấu trong màu áo đội bóng Cố đô rồi giải nghệ, cơ duyên run rủi, năm 2006, Nguyễn Văn Hiền được phân công làm HLV bộ môn đá cầu tại Trường trung cấp TDTT tỉnh, điều mà “nằm mơ” cựu “chim mồi” cũng không nghĩ đến.
Lúc đó, thể thao Huế có mời một chuyên gia đá cầu ngoại tỉnh về huấn luyện, HLV Nguyễn Văn Hiền sắm vai “phụ việc” cho chuyên gia này. Sau một thời gian, không hiểu có khúc mắc gì nhưng thay vì đưa ra những bài tập có thể áp dụng trong “thực chiến”, vị chuyên gia lại cho các VĐV tập những bài bổ trợ, hoặc không liên quan đến nội dung đá cầu mà Huế muốn phát triển. Sau một vài buổi quan sát, với đôi mắt của dân thể thao chuyên nghiệp, HLV Nguyễn Văn Hiền nhận ra điều bất ổn trong giáo trình.
Lúc đó tôi nói thẳng với chuyên gia là anh mâu thuẫn với ai tôi không quan tâm, nhưng 2 anh em mình tình cảm vẫn tốt đẹp, nên khi kết thúc hợp đồng, cho tôi giáo trình huấn luyện đá cầu của anh để tôi dạy lại cho học trò”, HLV Nguyễn Văn Hiền kể.
Dù sau này chỉ nhận được một phần giáo trình, nhưng từ sự giúp sức của đồng nghiệp và độ “nhạy” trong thể thao, sau thời gian nghiên cứu, phân tích từ tổng quan đến từng chi tiết mạnh, yếu của VĐV đá cầu Huế, HLV Nguyễn Văn Hiền đã tạo nên một giáo án huấn luyện đá cầu của riêng mình.
Chính thức làm Trưởng bộ môn đá cầu tỉnh vào năm 2013, hai năm sau, những tấm huy chương do học trò đem về tại giải vô địch trẻ toàn quốc (3 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ) đã tạo thêm động lực cho cựu tiền đạo tự tin bước tiếp con đường phía trước. Minh chứng là bên cạnh những lần chia vui cùng học trò tại các giải cấp toàn quốc, Nguyễn Văn Hiền còn trở thành HLV của tuyển đá cầu Việt Nam tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016 (giành 3 HCV). Đến năm 2017, sau khi cùng HLV trưởng tuyển đá cầu quốc gia dẫn dắt tuyển đá cầu Việt Nam giành 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ ở giải vô địch đá cầu thế giới tại Hồng Kông – Trung Quốc, Nguyễn Văn Hiền vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Đó chưa phải là nấc thang cao nhất và cuối cùng trong sự nghiệp cầm quân của mình, bởi vào ngày 25/8, HLV Nguyễn Văn Hiền và học trò của mình là Nguyễn Thị Thùy Linh đứng trên bục cao nhất khi góp công lớn vào ngôi Nhất toàn đoàn của tuyển đá cầu Việt Nam (5HCV, 2 HCB) ở giải vô địch đá cầu thế giới diễn ra tại Pháp.
Luyện “cát” thành “vàng”
Chào mừng HLV Nguyễn Văn Hiền và VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh tại sân bay Phú Bài. Ảnh: Nguyễn Hiền
“Tôi rất tự hào về những thành tích trên. Nhưng có lẽ, điều hạnh phúc nhất là học trò do tôi đào tạo từ nhỏ cũng giành được vinh quang này”, HLV Nguyễn Văn Hiền chia sẻ ngay sau khi cùng Nguyễn Thị Thùy Linh đáp xuống Sân bay Quốc tế Phú Bài ngày 27/8.
Năm 2012, trong một lần tuyển quân, cô học sinh lớp 6 với hình thể dẻo dai, cổ chân lanh lợi, khéo léo làm HLV Nguyễn Văn Hiền để ý. Thật ra nếu chỉ chừng đó thì trong nhóm học sinh dự tuyển cũng có khá nhiều em thậm chí trội hơn. Vấn đề là khi tiếp xúc với cầu, nếu như đa phần phải chăm chú, cẩn thận trong lúc tâng, đỡ… thì Linh cứ thản nhiên, nhẹ nhàng như không.
Cảm giác như cầu và chân của Linh có sự liên kết rất khăng khít, muốn điều khiển thế nào cũng được. Mà mấy ngày sau mới biết, Linh cũng có điểm giống tôi, là chơi… bóng đá rất hay nên độ phản xạ, sức bật, sức rướn khá tốt. Lúc đó nếu như tôi không chọn, có lẽ bây giờ Linh đã trở thành VĐV bóng đá”, HLV Nguyễn Văn Hiền hồi tưởng.
Vào năng khiếu, dưới tài “nhào nặn” của HLV Nguyễn Văn Hiền, sau 2 HCV tại giải vô địch trẻ toàn quốc 2018, với sự dìu dắt của HLV Nguyễn Văn Hiền A, trong năm 2019, Thùy Linh tiếp tục làm dày thêm bộ sưu tập huy chương tại các giải toàn quốc với 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ tại các giải vô địch đội mạnh, bãi biển và cá nhân, đồng thời trở thành VĐV đầu tiên của đá cầu Huế khoác áo tuyển đá cầu Việt Nam và cũng là VĐV trẻ nhất tuyển đá cầu quốc gia đến thời điểm hiện tại.
Nhận được “đồng ra đồng vào” từ phần thưởng của những tấm huy chương giành được, ngoài tằn tiện chi tiêu để gửi về cho ba mẹ nuôi em, cô gái sinh năm 2002 ở phường An Tây (TP. Huế) không quên nghĩ về bậc sinh thành cùng nỗi vất vả mưu sinh.
“Có lần đến giờ tập, nhìn quanh không thấy Linh đâu, sau mới thấy Linh trở về với chiếc áo lấm lem cát, xi măng trước bụng. Té ra hôm đó có người đặt bờ lô nhiều gấp mấy lần ngày thường, sợ ba mẹ bưng không nổi (ba mẹ Linh mưu sinh bằng nghề bưng bờ lô thuê) nên tới phụ. Nghe xong tôi lập tức chạy đến gặp ba mẹ Linh và dặn không cho cháu tới phụ, bởi lỡ bờ lô rơi vào chân thì coi như bao nhiêu công sức, tâm huyết “đổ sông, đổ biển”, trong khi giải vô địch thế giới đã cận kề…”, HLV Nguyễn Văn Hiền kể.
Sau vụ bưng bờ lô, Linh tiếp tục lao vào luyện tập, và rồi chỉ vài tháng sau, quả ngọt cho những tháng ngày gian khổ là tấm HCV nội dung đá 3 nữ tại giải vô địch đá cầu thế giới ở Pháp, đồng thời cùng HLV Nguyễn Văn Hiền ghi tên mình vào lịch sử thể thao Thừa Thiên Huế khi là người đầu tiên giành được tấm huy chương ở đấu trường danh giá nhất thế giới của bộ môn này.
Niềm vui của bộ môn đá cầu nói riêng, thể thao Huế nói chung chưa dừng lại ở đó khi HLV Nguyễn Văn Hiền tiết lộ, bên cạnh khoảng cách của Linh và đồng đội ở Huế không quá chênh lệch, lứa kế cận vẫn còn 1-2 nhân tố rất tiềm năng…
Hàn Đăng