Với lực lượng dân số trẻ, ASEAN đang nắm lợi thế để phát triển mạnh trong tương lai kỹ thuật số Ảnh: Darui Foundation

Tháng trước, Malaysia kỷ niệm 62 năm độc lập, và hiện đang được lãnh đạo bởi Thủ tướng Tun Dr. Mahathir Mohamad – nhà lãnh đạo đã 94 tuổi nhưng rất am hiểu về kỹ thuật số.

Singapore cũng vừa kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 54, với bài phát biểu được Thủ tướng Lý Hiển Long nói bằng tiếng Malay, tiếng Quan Thoại và tiếng Anh về cách thức mà Singapore chuẩn bị để đối phó với biến đổi khí hậu.

Tại lễ kỷ niệm 74 năm độc lập, Tổng thống Indonesia Jokowi cũng công bố một kế hoạch đầy tham vọng để chuyển thủ đô từ Jakarta đến Borneo.

Dạo một vòng quanh ASEAN trong tháng trước, chuyên gia Andrew Sheng thuộc Viện Toàn cầu châu Á, Đại học Hong Kong đưa ra nhận định rằng, các nước ASEAN đang có những bước đi tích cực để chuẩn bị cho tương lai và nền kinh tế kỹ thuật số ở các quốc gia trong khu vực sẽ phát triển mạnh mẽ.

Sức mạnh từ dân số trẻ

Thực tế, thành công của ASEAN từ những năm 1960 đã được xây dựng dựa trên thương mại, hòa bình, ổn định và những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn là quá chú trọng vào chính trị. Thành công trong tương lai của ASEAN theo đó cũng phụ thuộc vào tính trung lập chính trị của khu vực, bất chấp những tranh chấp của các cường quốc, bài viết trên Straitstimes phân tích.

Chuyên gia Andrew Sheng cho rằng, lý do khiến ông lạc quan về các nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN là các nước này thực sự đổi mới hơn các chỉ số hiện tại cho thấy. Trong không gian kỹ thuật số, sự đổi mới và khả năng nắm bắt thị trường chính là lợi thế. Sở dĩ Trung Quốc có thể cạnh tranh nhanh chóng với Mỹ một phần nhờ quy mô của thị trường nội địa (800 triệu người dùng internet), cơ sở hạ tầng băng thông rộng tốc độ cao, và phạm vi dịch vụ trải rộng trên nhiều lĩnh vực.

Trong khi đó, ASEAN có lợi thế từ lực lượng dân số trẻ, sự đa dạng về văn hóa và khả năng tiếp cận với kiến ​​thức mang tầm thế giới, cũng như vị trí địa lý chiến lược… đó được coi là những nền tảng vững chắc giúp các nước nắm bắt kỷ nguyên số.

“Trong ASEAN, Indonesia, Việt Nam và Philippines có quy mô dân số tương đối lớn, nhưng sức mạnh thực sự của họ là tuổi trẻ của dân số - những người có hiểu biết về kỹ thuật số, có tiềm năng vươn lên mức thu nhập trung bình và cao hơn”, ông Sheng nhận định.

Điển hình Việt Nam, Indonesia

Tham dự Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019 do Chương trình Sáng kiến Học giả trẻ (YSI) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8 vừa qua, nhà phân tích Andrew Sheng tiết lộ rằng ông đã ấn tượng bởi cách Việt Nam lên kế hoạch cho một nền kinh tế kỹ thuật số giai đoạn 2030-2045. Với tăng trưởng chạm mức 7,1% trong năm 2018 và quy mô dân số dưới 100 triệu người, Việt Nam đã trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới với xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu châu Á. Theo một nghiên cứu của DBS, trong năm 2010, Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình của Ngân hàng Thế giới và theo quỹ đạo hiện tại, nước này có thể vượt mặt nền kinh tế Singapore vào năm 2029.

Về bản chất, Việt Nam nhận thức được rằng các ngành công nghiệp trong nước có thể bị tụt hậu và “nuốt chửng” nếu chỉ dựa vào khu vực nước ngoài và do đó cần có sự chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện để bắt kịp với phần còn lại của thế giới. Cần có lộ trình ưu tiên cho cơ sở hạ tầng, an ninh mạng, tăng cường kỹ năng và năng lực kỹ thuật số, hiện đại hóa chính phủ, kế hoạch đổi mới công nghiệp và quốc gia, cũng như cải cách thuế và các quy định quan trọng.

Nói về Indonesia, ông Sheng cũng cho rằng, nước này đã có nhiều bước tiến đáng kể. Từ việc giao thông được cải thiện cho đến sự chú trọng vào chuyển đổi kỹ thuật số, công bằng xã hội và biến đổi khí hậu – những vấn đề đóng vai trò rất quan trọng đối với tương lai của Indonesia. Với lợi thế từ tốc độ tăng trưởng người dùng internet nhanh gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu và cộng đồng người sử dụng internet chiếm 56% tổng dân số, tương đương 150 triệu người trên tổng số 268 triệu dân, Indonesia đang tiến nhanh vào không gian kỹ thuật số.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ Straitstimes & Digital News Asia)