Một góc SVĐ Thammasat phủ kín bằng màu Quốc kỳ Việt Nam. Ảnh: Lâm Trần

Trong 21 năm, mỗi khi đối đầu, hầu hết ĐT Việt Nam đều ôm hận trước người Thái. Nhưng kể từ khi HLV Park Hang Seo xuất hiện, Việt Nam chiếm ưu thế trước Thái Lan. Và cũng kể từ khi HLV Park Hang Seo được bổ nhiệm, bóng đá Việt Nam đã sang trang với ngôi á quân U23 châu Á, ngôi vô địch AFF Cup 2018 và vào tứ kết Asian Cup 2019.

Những thành tích này không tự nhiên mà tới nếu như không có sự xuất hiện HLV Park Hang Seo để rồi từ đó, những đôi chân của tuyển Việt Nam cứng cáp hơn, bản lĩnh hơn, và tất nhiên, không còn cái gọi là “khớp cơ” mỗi khi chạm mặt người Thái như trước.

Vậy nên cũng đừng lấy làm ngạc nhiên khi thay vì chơi với sơ đồ phòng ngự - phản công theo "barem” đá trên sân khách trước một đối thủ mà ta vẫn chưa chắc chắn đã thực sự “ngang cơ” trên mọi phương diện, các chân sút áo đỏ bất ngờ tấn công phủ đầu bằng đội hình thiên về tấn công, liên tục chọc sâu, khoét mạnh vào hàng phòng ngự của người Thái, bất chấp sự chắc chắn của đối thủ còn được gia cố thêm bởi những pha bọc lót linh động của hàng tứ vệ.

Trong 45 phút hiệp môt, ngoài pha sạt cột dọc trong gang tấc ở giây 21, khả năng nắm giữ thế trận, sự gắn kết giữa các tuyến của người Thái vẫn nhỉnh hơn Việt Nam. Và nếu trước ngày thầy Park lên nắm quyền, có lẽ không dưới một lần, hàng phòng ngự áo đỏ sẽ phải nhận quả đắng trước lối chơi biến ảo và bản lĩnh, khí thế “cửa trên” vốn có của đối thủ.


Không mua được vé khu vực giành cho CĐV Việt Nam, nhiều người đành phải qua khu vực của CĐV Thái Lan để cổ vũ cho tuyển Việt Nam. Ảnh: Lâm Trần

Giống như Việt Nam ở những giây đầu tiên của hiệp một, Thái Lan nhanh chóng tăng tốc và liên tục có những pha xộc thẳng vào khu vực 16m50 của Việt Nam với lối chơi pressing mạnh mẽ ngay từ đầu hiệp hai. Trong khi đó, quay về lối chơi phòng ngự - phản công sở trường, Việt Nam vẫn chưa tạo nên nguy hiểm thật sự mỗi khi dẫn bóng về khu vực cấm địa của đối phương.

Nhưng dù bị dồn ép, những đôi chân áo đỏ cùng lối chơi vẫn tỏ ra thanh thoát hơn. Không phải vì kỹ thuật tốt hơn, thể lực sung mãn hơn mà bởi bản lĩnh tuyển Việt Nam đã được hun đúc, nhào nặn bởi “tinh thần Park Hang Seo” cùng áp lực dường như bằng “0” trước giờ xuất trận. Ngược lại, sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà trên khán đài là động lực, nhưng cũng chính là áp lực ngày càng tăng khi các chân sút Thái Lan vẫn chưa thể tìm được đường vào khung thành tuyển Việt Nam.

Cuộc chiến này không chỉ diễn ra trên sân cỏ. Ở trên băng ghế huấn luyện, nếu như CĐV Việt Nam vẫn sẽ yêu mến ông thầy Park Hang Seo dù kết quả sau trận đấu này như thế nào thì phía bên kia chiến tuyến, hoặc là HLV người Nhật Nishino sẽ được tung hô như là vị cứu tinh cho bóng đá Thái Lan sau thời gian dài “muối mặt” trước “cửa dưới” Việt Nam, hoặc là người từng đưa tuyển Nhật Bản lọt vào vòng 1/8 World cup 2018 sẽ phải tự đưa ra lời an ủi: “Đây chỉ mới là lần ra mắt đầu tiên…” cùng khả năng chiếc ghế HLV trưởng lung lay dữ dội sau thời gian ngắn ngủi nắm quyền.


Toàn cảnh SVĐ Thammasat, nơi diễn ra cuộc đối đầu giữa Thái Lan - Việt Nam tối 5/9. Ảnh: Lâm Trần

Dù trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 0-0 có thể khiến nhiều người cả ở 2 phía không hài lòng, nhưng ở cuối trận, những pha đi bóng, những cú sút của Quang Hải, Văn Toàn…, hay pha chọn vị trí cứu bóng chính xác của thủ thành Văn Lâm với sự phối hợp tỉnh táo của đồng đội đủ để tuyển Việt Nam cùng người hâm mộ tự tin vào hành trình chinh phục vòng loại World cup 2022 phía trước. Và tất nhiên, “trọng tâm” vẫn là chuyến đón tiếp Thái Lan trên sân Mỹ Đình vào ngày 19/11 tới.

Clip không khí tại sân Thammasat

Bài:Hàn Đăng;  Ảnh, clip: Lâm Trần