Ảnh minh họa: ASEAN Today

Chỉ tính riêng năm 2018, khoảng 129 triệu khách du lịch đã chọn ASEAN làm điểm đến. Dự kiến con số này sẽ tăng lên thành 155 triệu người vào năm 2020. Nhìn chung, du lịch đã mang lại doanh thu đến 329,5 tỷ USD, tương đương 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực trong năm 2017. Nhiều khả năng đến năm 2028, mức đóng góp sẽ tăng lên tới 598,3 tỷ USD, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) thông tin.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng các yếu tố như có nhiều lựa chọn du lịch giá rẻ, sự tăng trưởng trong kết nối và ít rào cản du lịch sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra sự không bền vững, đồng thời khiến khả năng cạnh tranh lâu dài của ASEAN trên vị thế là một điểm đến du lịch có thể bị suy yếu. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi có sự đầu tư thích hợp vào hạ tầng du lịch và nhiều nguồn lực khác.

Cho đến nay, ASEAN vẫn chưa đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu về cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch. Thêm vào đó, tính bền vững của môi trường vẫn là hạn chế cạnh tranh lớn nhất của khu vực. Cụ thể là rất nhiều quốc gia thành viên vẫn chịu cảnh ô nhiễm không khí, các vấn đề liên quan đến nguồn nước, xử lý nước thải kém dưới mức trung bình, động vật hoang dã đứng trước nguy cơ và nạn phá rừng.

Mặc dù ASEAN có thể sẽ thắng thế trong khả năng cạnh tranh về du lịch, song việc mở rộng phát triển ngành du lịch sẽ khiến những lỗ hổng quan trọng trong chính sách, tài nguyên và cơ sở hạ tầng bị lộ ra nếu không được quản lý đúng cách.

Sau khi nghiên cứu nhiều yếu tố, chuyên gia của The ASEAN Post nhận định rằng du lịch và lữ hành có thể thúc đẩy các nền kinh tế phát triển rất tốt. Song điều này chỉ xảy ra khi các nhà hoạch định chính sách quản lý hợp lý tài nguyên du lịch của mình. Vấn đề này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, với sự hỗ trợ của nhiều bên liên quan.

Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)