Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Tuấn đánh giá, vụ cháy ở Rạng Đông là sự cố cháy nổ mất an toàn hóa chất, có tác động xấu đến sức khỏe người dân và môi trường xung quanh. Bộ kiến nghị Bộ Quốc phòng tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy.

Trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam, việc xây dựng các nhà máy một thời được xem là biểu tượng của sự phát triển các thành phố, như nhà máy dệt Nam Định, nhà máy diêm, đóng tàu ở Vinh… Các nhà máy không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, với sự gia tăng của lực lượng công nhân. Ở chiều ngược lại, cùng với sự phát triển của đô thị, nhiều nhà máy trước đây nằm ở vùng ven, khu dân cư thưa thớt, nay nằm lọt thỏm trong nội đô, các khu dân cư đông đúc. Các tác động xấu của quá trình sản xuất lúc này càng bộc lộ rõ. Đó là các chất thải, nước thải, khói bụi, hóa chất phát tán gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ; nhẹ hơn là tăng áp lực cho hạ tầng đô thị như giao thông, điện, nước sinh hoạt… do tập trung đông công nhân.

Thực ra, việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, các khu dân cư đã được đặt ra từ lâu nhưng tiến trình này vẫn còn rất chậm chạp, bởi nhiều nguyên nhân. Đó là cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời chưa thực sự khuyến khích, sự thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương, nguồn lực hỗ trợ di dời còn hạn chế, nội lực của doanh nghiệp còn yếu, việc di dời ảnh hưởng đến tổ chức sản xuất, nhân lực của doanh nghiệp…

Mới đây, tới thăm thành phố Nam Định, tôi thấy một sự thay đổi đáng ngạc nhiên ở khu vực trước đây vốn trung tâm dệt may lớn của cả nước. Không còn cảnh nhếch nhác, người xe đông đúc ồn ào, thay vào đó là một khu đô thị mới hiện đại đang hoàn thiện. Đây là một gợi mở về cách thức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, các khu dân cư tập trung.

Với Thừa Thiên Huế, khu vực nội đô không có nhiều nhà máy lớn nhưng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thì không phải không có. Trước đây nhà máy xi măng Long Thọ được người Pháp xây dựng nằm ở vùng ngoại ô, nhưng nay vùng này đã trở thành phường nội đô. Việc di dời nhà máy đặt ra từ rất lâu, với nhiều phương án, nhưng nay mới chỉ một bộ phận di dời về cụm công nghiệp Thủy Phương. Một số cơ sở sản xuất khác như cơ khí Phú Xuân (phường An Cựu), Công ty cổ phần dược (phường Phước Vĩnh), các cơ sở đúc đồng (phường Đúc), một số cơ sở thu mua phế liệu ở phường Thủy Phương (Hương Thủy)… đang ít nhiều gây bức xúc cho người dân xung quanh bởi ô nhiễm tiếng ồn, nước thải, khí thải, hóa chất phát tán ra ngoài môi trường… Chưa kể cháy nổ luôn là nguy cơ rình rập đối với các cơ sở sản xuất, như vụ cháy kho sợi của Công ty CP sợi Phú Nam vừa qua là một ví dụ.

Sẽ còn nhiều việc phải làm để khắc phục hậu quả vụ cháy nổ ở Công ty Rạng Đông, nhưng việc di dời nhà máy ra khỏi khu vực dân cư đang là vấn đề đặt ra cấp thiết không chỉ riêng với Rạng Đông mà với cả các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang nằm trong nội đô trên phạm vi cả nước. Để làm được điều này, ngoài việc chuẩn bị tốt hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đón các nhà máy cần di dời, cần có những chính sách đồng bộ từ đền bù, hỗ trợ di dời, chuyển đổi ngành nghề, chính sách thuế… Quỹ đất nhà xưởng trong nội đô sau khi di dời nếu được sử dụng hợp lý sẽ là nguồn lực đáng kể phục vụ quá trình này. Bài học di dời khu dệt may Nam Định là một ví dụ. Điều này mang lại lợi ích kép, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất bền vững vừa tạo điều kiện chỉnh trang đô thị an toàn, khang trang, hiện đại.

Hoàng Minh