Chúng tôi đang nói về Võ Thị Thu Thủy và Lê Thị Mỹ Hạnh. Thủy trúng tuyển ngành Sư phạm Anh, trong khi đó Hạnh trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Hàn.
Võ Thị Thu Thủy (trái) và Lê Thị Mỹ Hạnh xúc động trong một lần trò chuyện về hoàn cảnh của bản thân
Đi qua những ngày buồn
Khuôn mặt sáng, ấy vậy mà đôi mắt Võ Thị Thu Thủy lúc nào cũng đượm buồn khi trò chuyện với mọi người xung quanh. Lọt lòng đã mồ cô cả cha lẫn mẹ, biến cố ấy qua thời gian càng thấm thía hơn bởi sự trống vắng của tình thương. Lớn lên trong vòng tay cưu mang của ông nội già yếu, ngày qua ngày ông cháu tựa vào nhau mà sống.
Rồi quy luật cuộc đời cũng lấy đi người ông nội. Mọi thứ như sụp đổ, 12 tuổi Thủy được đưa vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Tây (phường An Tây, TP. Huế). Ngày mới vào, đêm nào em cũng khóc vì thương nhớ người ông của mình. Ngay cả bây giờ mỗi khi ai nhắc đến ông nội, Thủy lại xúc động không kìm được nước mắt. “Ông nội là người thương em nhất” – Thủy nghẹn ngào.
Ở môi trường mới, Thủy dần thay đổi từ cô bé hay tủi buồn trở nên mạnh mẽ. Sau những giờ học trên trường, em còn giúp các cô trong trung tâm quán xuyến nhiều việc, dạy các em nhỏ học tập. Môn học mà Thủy thích nhất là Ngữ Văn. Từng trang văn, lời viết của Thủy rất có hồn. Có lẽ nghị lực cuộc đời đã khiến cô bé vừa bước qua tuổi 18 chính chắn hơn tuổi, lời văn vì thế mà sâu sắc.
Đam mê viết lách nhưng Thủy lại chọn ngành Sư phạm Anh để theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo. Chia sẻ về lý do này, em nói rằng muốn học ra trường, quay trở về lại Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Tây để cùng các cô giúp đỡ những hoàn cảnh thiệt thòi như mình. “Ngoại ngữ còn giúp mình dịch sách, viết truyện bằng tiếng Anh”, Thủy nói.
Hỏi Thủy khi cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, người đầu tiên muốn khoe là ai, em trầm ngầm. Giọng buồn Thủy nói, người đầu tiên em muốn chạy về để khoe đó ông nội, nhưng tiếc rằng ông đã đi xa. Nhưng rồi em bình tĩnh để tự động viên bản thân sẽ cố gắng học thật tốt, không phụ lòng của ông nội, của những người đang ngày đêm phụ giúp mình.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em An Tây cho biết, như nhiều hoàn cảnh khác, Thủy cũng là hoàn cảnh đặc biệt. Thế nhưng luôn cố gắng để theo đuổi ước mơ, và mọi sự nỗ lực của em đã được đền đáp. Ngày nghe tin Thủy đậu ĐH cả trung tâm ai nấy vui sướng.
Mồ côi cha trước ngày đi thi
Dù không phải ở trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng hoàn cảnh Lê Thị Mỹ Hạnh cũng khiến nhiều người khi nghe phải rơi nước mắt. Hạnh vừa trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Hàn – Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế với số điểm 23,5.
Ít ai biết rằng, trước ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, một biến cố cuộc đời đã ập xuống gia đình em, người cha đã ra đi đột ngột vì đột quỵ trong lúc lao động. Hạnh suy sụp, không màng nghĩ đến chuyện sẽ tiếp tục theo đuổi sự học, bởi trong đầu lúc đó ngoài nỗi buồn mất cha là cái nghèo khó đè nặng lên đôi vai người mẹ với gánh đậu hũ dạo mưu sinh.
May thay, trong lúc bế tắc, Hạnh được mẹ, thầy cô, bè bạn động viên, em đã đội tang cha đến trường thi. Đổi lại kết quả không làm mọi người thất vọng. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, học phí là nỗi lo khiến em băn khoăn. Thế rồi, tất cả những biến cố cuộc đời đã giúp em tự tin để bước tiếp.
Thương mẹ vất vả, Hạnh nhận nón lá của người quen đem về nhà để gia công thêm phần thêu họa tiết, kiếm tiền trang trải cuộc sống, học phí cho bản thân. Trong căn nhà cấp 4 trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (phường Kim Long, TP. Huế), cô tân sinh viên cặm cụi mắt nhìn, tay thoăn thoắt theo đường chỉ để thêu từng chiếc nón. Hạnh nói, mỗi chiếc nón thêu xong, em nhận được 3.000 đồng tiền công. “Khi đã bắt nhịp với môi trường học tập mới, em sẽ kiếm thêm việc để làm, tăng thu nhập, tự lo cho bản thân và nuôi dưỡng ước mơ của mình” – Hạnh tự tin.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1 Trường THPT Hai Bà Trưng – nơi Hạnh theo học, kể rằng Mỹ Hạnh là người nghị lực, chịu khó. Hoàn cảnh gia đình dù thua thiệt so với bạn bè cùng trang lứa nhưng em vẫn học rất giỏi, luôn được thầy cô, bè bạn thương quý.
Bài, ảnh: Nhật Minh