Âu thuyền Phú Thuận không đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão-

Nguy cơ mất an toàn

Từ khi đóng mới hoàn thành, hạ thủy chiếc tàu vỏ thép trị giá gần 20 tỷ đồng, lúc nào ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) cũng lo lắng tìm nơi cập bến, neo đậu an toàn. Ông Chiến càng lo hơn mỗi khi bước vào mùa bão, lũ phải tìm nơi tránh trú an toàn cho tàu.

“Ngày chiếc tàu hạ thủy không chỉ niềm vui đối với gia đình mà cả chính quyền địa phương khi hiện thực hóa ước mơ vươn đến vùng biển xa. Trong khi lo vươn khơi đánh bắt hiệu quả để trả nợ ngân hàng, tui lại còn thêm nỗi lo neo đậu mỗi khi mùa bão, lũ đến”, ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, tại các âu thuyền Phú Hải, Phú Thuận (Phú Vang) không đảm bảo cho việc neo đậu tàu vỏ thép công suất từ 1.000 CV trở lên. Không chỉ trong âu thuyền bị cạn mà cửa ra vào bị bồi lấp trầm trọng không đảm bảo tàu thuyền ra vào, neo đậu. Luồng lạch cũng thường xuyên thay đổi thất thường, theo mùa, thời tiết và dòng chảy, nếu không thăm dò kỹ trước khi ra vào sẽ có nguy cơ mắc cạn, nguy hại đến tài sản, tính mạng.

Từ khi hạ thủy đến nay, tàu của ông Chiến cũng như 3 tàu vỏ thép khác trên địa bàn tỉnh không thể vào các âu thuyền mà đành phải neo đậu tạm tại một số vị trí có độ sâu an toàn. Tuy nhiên quy mô diện tích tại các vùng nước sâu rất hạn chế, lại không có các thiết bị neo đậu chuyên nghiệp nên nguy cơ mất an toàn rất cao trong mùa bão, lũ.

Không chỉ tàu vỏ thép mà cả tàu vỏ gỗ đều không an toàn mỗi khi ra vào, neo đậu tại các âu thuyền do bồi lắng, xuống cấp, quy mô nhỏ. Tại thị trấn Thuận An đã từng xảy ra vụ chìm tàu thương tâm, đó là tàu cá mang số hiệu TTH-26669 của ông Nguyễn Văn Hiền bị mắc cạn ngay tại luồng ra vào, bị sóng đánh chìm, bốn bạn thuyền thiệt mạng.

Mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn tàu thuyền khi ra vào cửa biển. Tính từ năm 2015 đến nay đã xảy ra khoảng 10 vụ mắc cạn khi ra vào các âu thuyền. Tiêu biểu như vụ tàu của ông Dương Văn Thụ và Trần Văn Sơn ở thị trấn Thuận An và tàu ông Huỳnh Văn Lân ở xã Phú Hải (Phú Vang) do mắc cạn, bị sóng đánh chìm. Tuy không thiệt hại về người nhưng các tàu bị hư hỏng nặng, chi phí sửa chữa hàng trăm triệu đồng/tàu.

Linh hoạt

Nhiều tàu thuyền đang neo đậu tại âu thuyền Phú Hải

Ông Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) cho rằng, trong điều kiện âu thuyền chật hẹp, luồng lạch “có vấn đề”, không cách nào khác, ngư dân phải tự trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm ra vào âu thuyền, tìm cách neo đậu an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố.

Trước mắt, ngư dân phải tự thăm dò độ sâu, độ an toàn của cửa biển, các âu thuyền trước khi lái tàu vào neo đậu tránh trú bão. Quá trình cho tàu vào âu thuyền cũng cần có sự “can thiệp”, hướng dẫn của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” gây mất trật tự, nguy cơ mất an toàn.

Theo ông Chinh, vì quy mô các âu thuyền chật hẹp không đảm bảo cho hơn 500 chiếc tàu đánh bắt xa bờ nên các tàu được bố trí neo đậu sát nhau. Biện pháp này là “bất đắc dĩ”, khó đảm bảo an toàn trong quá trình neo đậu khi có bão. Tuy nhiên không còn cách nào khác, theo kinh nghiệm của ngư dân từ vài năm trở lại đây, trong trường hợp neo đậu sát nhau cần phải treo các vật dụng có lực đàn hồi, lốp xe, xốp… vào mạn tàu tránh va đập gây hư hỏng.

Chủ tàu Ngô Đức Mạnh ở xã Phú Thuận đúc rút kinh nghiệm: Trước khi đưa tàu vào neo đậu tại các âu thuyền, các chủ tàu, thuyền viên phải đảm bảo an toàn trong quá trình lái tàu về bờ trú ẩn. Các thuyền viên phân công túc trực boong tàu, liên tục nắm bắt, cập nhật thông tin về vị trí tâm bão để di chuyển đúng hướng, kịp thời tránh bão. Tất cả các thuyền viên phải mặc áo cứu sinh, các vật dụng cồng kềnh, ngư cụ đều phải đưa vào khoang tàu. Trong các trường hợp gặp sự cố như hỏng máy, hỏng các thiết bị khác, nguy cơ mất an toàn sẽ thông báo ngay đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, trước mùa bão, lũ, chi cục phối hợp với các địa phương triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp ứng phó, di chuyển cũng như neo đậu an toàn cho tàu thuyền, tránh xảy ra tình trạng chen lấn, gây mất trật tự, xô xát như một số năm trước đây. Các tàu được hướng dẫn lần lượt di chuyển vào các âu thuyền neo đậu đúng quy định; được bố trí neo đậu ngăn nắp nhằm tiết kiệm mặt nước trong âu, song tối đa chỉ được neo 3 tàu liền nhau, giữa các tàu có đệm chống va đập và dây liên kết.

Trường hợp âu thuyền không đảm bảo neo đậu cho hầu hết tàu thuyền thì các ban ngành sẽ có phương án bố trí tạm thời tránh trú bão tại một số khu vực phù hợp, kèm theo các biện pháp an toàn. Tại các xã vùng biển Phú Lộc, do âu thuyền không đáp ứng cho việc neo đậu sẽ được bố trí, di chuyển vào Đà Nẵng tránh trú bão…

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 âu thuyền phục vụ neo đậu cho tàu đánh bắt xa bờ với năng lực đáp ứng khoảng 300 chiếc, trong khi số tàu đánh bắt xa bờ toàn tỉnh đến nay 453 chiếc. Ngoài quy mô không đáp ứng, các âu thuyền xây dựng từ nhiều năm, qua quá trình sử dụng, bão, lũ, một số hạng mục bị xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu neo đậu tránh trú bão. Trước mùa bão, lũ, các địa phương khắc phục tạm thời các hạng mục nhằm đảm bảo neo đậu, tránh trú bão cho tàu xa bờ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều