Tối 19/8, tại Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức “thôi nôi” Không gian ca Huế thính phòng với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sỹ, tri âm tri kỹ cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước.


Chiếc bánh sinh nhật từ một tri âm càng khiến lễ "thôi nôi" thêm ý nghĩa

Sau điệu Tây Mai, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ, Tẩu Mã – 5 bài cuối cùng trong 10 bản Ngự được triều Nguyễn sử dụng trong các  dịp khánh tiết, cả thính phòng đắm mình trong những làn điệu” Cổ bản “Những tâm hồn đồng điệu”, Phú lục “Ngắm sông nước”, Ngũ đối thượng “Linh khí đúc trời Nam”, Tương tư khúc “Nòi Việt hùng anh”, cả thính phòng như lắng lại khi nghe những dòng chữ thiết tha bày tỏ tình cảm với Không gian ca Huế thính phòng của nhà thơ Võ Quê gửi về từ Vienna – thủ đô nước Áo.


Một tiết mục tại lễ "thôi nôi"

Đêm “thôi nôi” được tiếp nối bằng Tứ đại cảnh “Tình văn nghệ”, Chầu văn “Uy nghi Ngọc Trản”, Lý tình như của Diệu Bình, Lý tử vy “Tình mẹ”, Tổ khúc dân ca “Nét Huế”, Lý giao duyên, Mười thương để rồi kết thúc trong tiếc nuối bằng điệu Nam Bình “Nước non ngàn dặm” và hò Mái nhì kinh điển của Ưng Bình Thúc Dạ Thị “Chiều chiều trước bến Văn Lâu”.

Nhằm tạo sân chơi cho các nghệ nhân, nghệ sỹ lão niên của nghệ thuật ca Huế, ngày 20/8/2013, Không gian ca Huế thính phòng ra đời và được biểu diễn đều đặn vào tối thứ 3, thứ 6 hàng tuần. Đây được xem là nơi gặp gỡ, trao đổi, trau dồi và truyền thừa nhằm bảo tồn những tinh hoa nghệ thuật ca Huế của nhiều thế hệ nghệ sỹ.

 

Tin, ảnh: Võ Nhân