Cá ngừ vây vàng trên một cảng cá ở Philippines. Ảnh: AFP
Indonesia và Philippines là 2 trong 5 nhà sản xuất cá ngừ hàng đầu thế giới. Sản lượng cá ngừ của Indonesia năm 2016 đạt mức cao nhất với thị phần sản xuất toàn cầu là 17,9%, trong khi Philippines đứng thứ hai với 6,1%.
Trong khi đó, Thái Lan là nước xuất khẩu cá ngừ đã được chế biến hoặc bảo quản lớn nhất thế giới, chiếm 29% lượng xuất khẩu toàn cầu. Philippines, Indonesia và Việt Nam cũng xuất khẩu cá ngừ chế biến hoặc đóng hộp cho các thương hiệu lớn tại các thị trường trọng điểm. Năm 2017, tổng cộng 7 tỷ USD các sản phẩm cá ngừ đóng hộp đã được xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành công nghiệp cá ngừ còn cung cấp hàng ngàn việc làm trong các lĩnh vực đánh bắt, chế biến và giao dịch trên toàn thế giới.
Báo cáo của Greenpeace, một tổ chức môi trường phi chính phủ, trong năm 2018 về ngành công nghiệp cá ngừ ở Đông Nam Á cho thấy nhiều công ty chế biến đã đạt tiến bộ trong việc nghiên cứu, hướng tới một ngành công nghiệp cá ngừ đóng hộp có thể truy xuất nguồn gốc, bền vững và thân thiện với người lao động. Nhưng không may, họ vẫn không chuyển đổi đủ nhanh để đáp ứng tình trạng đáng báo động của các đại dương hiện nay, Điều phối viên nghiên cứu Đại dương của Greenpeace ở Đông Nam Á cho biết.
Nhiều thách thức tồn tại
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành công nghiệp cá ngừ cũng đối mặt với nhiều vấn đề như vi phạm nhân quyền. Chế độ nô lệ trên biển tràn lan trong các đội tàu đánh cá xa xôi trên khắp thế giới, nơi các công nhân phải mạo hiểm mạng sống sau những lời hứa hão huyền về mức lương tốt của những kẻ môi giới vô đạo đức.
Đáng lo ngại hơn, nguồn cá ngừ đang bị suy giảm với nguyên nhân một phần được cho là do các hoạt động đánh bắt hủy diệt và quá mức. Những động thái này gây ra ô nhiễm, dẫn đến tẩy trắng san hô và các tác động khác từ biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu đại dương cho rằng nếu việc đánh bắt cá ngừ con không được giải quyết, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của nguồn cá ngừ và hệ sinh thái biển.
Ngoài ra, báo cáo của Greenpeace cũng lưu ý đến các “tiêu chuẩn kép” của các chiến lược tiếp thị, trong đó các thương hiệu thực hiện các quy tắc nghiêm ngặt chỉ để phục vụ thị trường nước ngoài. Trong khi đó ở thị trường địa phương, rất ít hoặc gần không có thông tin nào được đưa ra về nguồn gốc của cá ngừ. May mắn thay, người tiêu dùng Đông Nam Á đang bắt đầu quan tâm đến quyền và sức mạnh của mình trong việc bảo vệ đại dương và do đó, các tiêu chuẩn và thông tin tìm nguồn cung ứng phải được cung cấp cho người tiêu dùng trong nước.
“Nhu cầu về hải sản có nguồn gốc đáng tin cậy đã tăng lên ở nhiều thị trường trên toàn thế giới”, ông Jeremy Crawford, giám đốc khu vực Đông Nam Á của một tổ chức phi chính phủ về thúc đẩy nghề cá bền vững tiết lộ.
Các công ty được khuyến khích mạnh mẽ trong việc áp dụng các phương thức đánh bắt ít tác động đến môi trường. Để bảo vệ người lao động, nhân quyền và cả đại dương, điều quan trọng đối với ngành cá ngừ là phải cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc và chuyển sang các hoạt động tìm nguồn cung ứng bền vững và thân thiện với người lao động.
BẢO NGHI (Lược dịch từ The ASEAN Post)