Trong bài này, Ngô Thời Nhậm viết:
“Xích nhật dục uyên sơ xuất sắc
Huyền Trân phù đảo thượng vi dung”
Ngô Linh Ngọc dịch thơ:
“Vầng nhựt ửng hồng, nhô đáy vực
Đảo Huyền khoe biếc nổi ngang dòng”
Ngô Thời Nhậm muốn nói đến thắng tích nào ở cửa Tư Dung (Cửa Ông, Tư Hiền) khi viết “Đảo nổi Huyền Trân” ?
Tất nhiên ở trên đất Ô Lý mà hoài tưởng Huyền Trân công chúa khi làm thơ là lẽ thường. Ở đây nhà thơ đặt tên cho một thắng tích bằng danh tính của công chúa nhà Trần tất phải có duyên do.
Đảo nổi Huyền Trân mà Ngô Thời Nhậm muốn tả chính là Quy Sơn (hay núi Linh Thái). Thật vậy:
Mặt trước núi là biển và mặt sau núi là phá Hà Trung. Đi thuyền trên phá hoặc trên biển theo chiều Bắc – Nam thì thấy núi như một hòn đảo nổi và thuyền đang xuôi dòng thì núi Qui Sơn quả chắn ngang dòng vậy. Ảnh chụp trên đủ minh họa cảnh núi Quy Sơn mà Ngô Thời Nhậm đã tả với hai câu thơ trên.
Núi Linh Thái, một thắng cảnh đẹp. Ảnh: VNN
Nhưng tại sao nhà thơ không dùng cụm từ “Đảo nổi Qui Sơn” ? Câu trả lời là ký ức truyền đời của cư dân Vinh Hiền- Hà Trung về lễ vu qui của công chúa Huyền Trân. Các cụ già sở tại bảo rằng, lễ đón dâu rất long trọng được Champa tổ chức ở Klan Champa trên đỉnh Quy Sơn. Và Ngô Thời Nhậm biết điều ấy nên phóng bút gọi Quy Sơn thành “Huyền Trân phù đảo”.
Xin được ghi lại vài dòng hoài cổ: Quy Sơn có đại đồn của Tây Sơn án ngữ cửa ngõ vào kinh đô Phú Xuân mà tướng chỉ huy là phò mã Trị. Qui Sơn từng chứng kiến thủy quân hùng mạnh của vua Lý Thái Tông từng vào cửa Ô Long, đánh tan quân Chiêm do vua Chiêm Sạ Đẩu chỉ huy, đang dàn trận ở sông Ngũ Bồ năm 1012. Quy Sơn chứng kiến thủy quân hùng mạnh của vua Lê Thánh Tông những ngày bình Chiêm và cũng đón nhận những giọt nước mắt ăn năn của nhà vua khi giết oan thầy học của mình là Phi vận tướng quân Nguyễn Phục.
Trên đỉnh Quy Sơn Dũng Triết Vương Nguyễn Phúc Tần đã tạo đức phước cho cháu con khi lập chùa Hòa Vinh. Và Ngô Thời Nhậm khi viết bài thơ trên nhằm đẹp lòng vua Cảnh Thịnh lại không ngờ hợp với vua Gia Long. Một “Vầng nhựt ửng hồng nhô đáy vực”… khi tháng năm Tân Dậu (1801) đánh trực diện đại đồn Tây Sơn ở núi Quy Sơn vào ban ngày và đánh bọc hậu vào ban đêm, mở màn hồi kết của thời suy tàn của vua con bất tài Cảnh Thịnh. Đảo nổi Huyền Trân là “chứng nhân” của vinh quang và cay đắng của anh hùng và mỹ nhân hai nước Việt Chiêm.
Phương Thi