Chủ tịch UBND tỉnh thăm doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vào đầu năm 2019

Các chỉ tiêu kinh tế đều vượt

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Phú Lộc cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước tại địa phương 8 tháng đầu năm là 155,5 tỷ đồng, ước đến cuối năm, thu ngân sách đạt 198 tỷ đồng, tăng 12%. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 52 triệu đồng/năm. Sản lượng lương thực có hạt đạt 41.000 tấn, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản đạt 10.420 tấn. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện giảm còn 4,9%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93%...

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, du lịch địa phương tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế. Du lịch biển, bãi tắm biển, sinh thái suối thác đã thu hút và đón một lượng khách tăng cao so với năm trước trong những ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần. Các khu nghỉ dưỡng, bãi tắm biển, điểm du lịch sinh thái tiếp tục hút lượng khách lớn. Theo đó, tổng lượt khách du lịch khoảng 1,2 triệu lượt, tăng 21,8% cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 333 ngàn lượt, khách nội địa 861 ngàn lượt. Tổng lượng khách lưu trú đạt 374 ngàn lượt, trong đó, khách quốc tế 165 ngàn lượt. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng 1.150 tỷ đồng tăng 25,1% cùng kỳ.

Về phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao ở Phú Lộc bắt đầu có kết quả. Năm qua, huyện triển khai mô hình cánh đồng mẫu được 700 ha, gieo trồng giống lúa KH và LDA1 ở 14 HTX. Kết quả thực hiện năng suất đạt 66 - 72 tạ/ha, cao hơn so với lúa sản xuất đại trà trên 5 tạ/ha. Riêng với chăn nuôi, do dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn giảm còn 15.000 con. Tính đến nay, bệnh dịch tả lợn xuất hiện ở 82 thôn của 16 xã và tiêu hủy 3.516 con/699 hộ với trọng lượng 164 tấn.

Dây chuyền sản xuất bánh gạo ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Phú Lộc là địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thu hút thêm những nhà đầu tư lớn. Với việc thu hút nhiều nhà đầu tư, đòi hỏi công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phải hiệu quả. Lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, trong 8 tháng đầu năm 2019, huyện đã thực hiện công tác GPMB 21 dự án; trong đó, có 11 dự án mới, 10 dự án chuyển tiếp; tổng diện tích đất thu hồi là 317 ha, có 1.096 hộ bị ảnh hưởng, có 121 hộ thuộc diện tái định cư, tổng số lăng mộ bị di dời là 1.802 cái.

Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Công nghiệp cho biết, hiện một loạt các dự án trên địa bàn được khởi động, đặc biệt là Khu du lịch quốc tế Minh Miễn và giai đoạn 2 của Laguna Lăng Cô. Tuy nhiên, hiện tồn tại một số khó khăn, nhất là về GPMB ở một số dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Riêng với Laguna Lăng Cô, việc đầu tư và khai thác casino gặp khó khăn, hiện chủ đầu tư chưa tìm được đối tác để kinh doanh casino, vì theo quy định đối tác phải có vốn ít nhất 1 tỷ USD.

Chủ động nắm bắt các lợi thế

Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết, trong năm 2020, huyện Phú Lộc tiếp tục định hướng phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đưa ngành du lịch thật sự trở thành mũi nhọn. Ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả. Chỉ tiêu được đặt ra là thu ngân sách nhà nước tại địa phương đạt 178 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 60 triệu đồng; tổng số khách du lịch ước đạt 1,4 triệu lượt…

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, trong năm 2020, dự kiến sẽ có thêm 1.500 phòng lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao ở khu vực Chân Mây – Lăng Cô đi vào hoạt động. Điều này sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng dài ngày của du khách, không chỉ Phú Lộc mà hứa hẹn tạo “cú hích” cho du lịch của cả tỉnh. Phú Lộc còn có thế mạnh về du lịch sinh thái, cần nâng cao chất lượng, đánh giá lại để hỗ trợ và làm đối trọng cho du lịch nghỉ dưỡng biển. Điều đáng mừng là Chính phủ đã quy hoạch Khu du lịch quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương, nhưng đến khi nào được công nhận là cả vấn đề. Vì thế, cần có đề án, những định hướng phát triển, tập trung đầu tư vào hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ…

Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu, Phú Lộc là địa phương có thế mạnh, có đầy đủ các danh hiệu về khu kinh tế biển, vịnh đẹp thế giới, cảng nước sâu, vườn quốc gia... để phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, Phú Lộc nắm lấy cơ hội để phát triển thành cửa ngõ phía nam, là đô thị mới theo định hướng của tỉnh. Sự phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng cô và Vườn quốc gia Bạch Mã không thể tách rời với huyện Phú Lộc, tạo thành sức mạnh tổng thể.

“Làn sóng” đầu tư nước ngoài đang vào Phú Lộc. Những cơ hội về thu hút đầu tư đang đến với Phú Lộc nói riêng và tỉnh nói chung chỉ trong 2-3 năm tới, nên đòi hỏi huyện phải đón đầu. Cơ hội đến sẽ kèm với thách thức, về GPMB, môi trường, thu hẹp diện tích đất đai sản xuất của người dân... Vì thế, các sở, ban ngành liên quan và huyện Phú Lộc có sự chủ động và tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài du lịch, dịch vụ và công nghiệp, Phú Lộc cần tập trung phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp. Phú Lộc đặt mục tiêu là “vườn” trái cây ăn quả của cả tỉnh. Bên cạnh đó, cần có đề án chuyển đổi, áp công nghệ cao trong sản xuất và hình thành chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ. Tập trung phát triển lâm nghiệp, đặc biệt rừng gỗ lớn.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Huyện Phú Lộc cần có các đề án để đề xuất tỉnh bố trí nguồn vốn, nhất là về công tác quản lý đô thị. Việc thu hồi đất lớn, nên huyện cần rà soát lại cơ cấu lao động, chủ động chuyển đổi nghề phù hợp cho người dân khi diện tích đất để sản xuất nông nghiệp không còn.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương: Để phát triển du lịch, dịch vụ, Phú Lộc cần có một cụm tiểu thủ công nghiệp để tập hợp các làng nghề về một nơi. Cần đánh giá lại sự phát triển của các làng nghề, nhất là dầu tràm và rượu vang Bạch Mã, tiến đến sản xuất có tính quy mô, chất lượng để phát triển, tạo lòng tin cho du khách.


Bải, ảnh: Đức Quang