Chủ tịch Hồ Chí Minh và bút tích trên bản Di chúc của Người. Ảnh: TL

Ngày 15/5/1965, Bác Hồ viết xong bản Di chúc lần thứ nhất, gồm 3 trang đánh máy. Bên cạnh chữ ký của Bác còn có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lúc bấy giờ.

Tháng 5/1968, Bác bổ sung thêm 6 trang viết tay nữa và tháng 5/1969 Bác hoàn chỉnh một trang mở đầu của Di chúc. Tổng cộng cả bản đánh máy và bản viết tay Di chúc Bác để lại gồm 10 trang, chứa đựng và kết tinh cả một tư tưởng lớn: Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mở đầu Di chúc, Bác đặt niềm tin vào tính tất thắng của cuộc kháng chiến chính nghĩa của Nhân dân ta bằng một lời khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Có thể nói, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là điểm xuất phát của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đó là một khát vọng, nhưng cũng là một niềm tin. Niềm tin về tính tất thắng của một sự nghiệp chính nghĩa, về một hoài bão muốn giải phóng loài người khỏi ách nô lệ áp bức. Khát vọng ấy trong Di chúc được Bác nhấn mạnh: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Giờ đây, trên con đường đổi mới đất nước, chúng ta lại càng nhớ về Bác nhiều hơn. Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã trở thành niềm tin, thành sức mạnh cho Nhân dân ta, để thực hiện điều mong ước cuối cùng của Bác đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Nếu nói nội dung tổng quát của tư tưởng Hồ Chí Minh là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhằm mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người thì nội dung tổng quát đó bao giờ cũng được thể hiện một cách cụ thể, với những con người cụ thể - mà ở đây vấn đề con người bao giờ cũng được Bác đặt lên hàng đầu.

Trong bản Di chúc viết năm 1968, Bác đã chỉ rõ: “Đầu tiên là công việc đối với con người”.

Chiến tranh, nỗi gian khổ và sự khắc nghiệt của nó đã đè lên vai của cả dân tộc. Thắng lợi trong cuộc chiến tranh để giành chính quyền độc lập tự do là điều khó khăn, nhưng cao hơn nữa đó là phải giải phóng được chính con người. Chính tư tưởng của Bác Hồ hướng đến con người là ở điều đó.

Là người đầu tiên đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Bác Hồ đã thấy rõ vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin được thể hiện thông qua vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vì vậy trước lúc đi xa Bác đã căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác còn chỉ rõ những nguyên tắc trong xây dựng Đảng, đó là: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Tình đồng chí, tình đoàn kết thương yêu đó, không phải chỉ ở trong Đảng, không phải chỉ ở nước ta mà còn thể hiện ở tinh thần quốc tế cao cả của Người.

Về đạo đức cách mạng, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta hãy cứ đối chiếu ngay với bản Di chúc lịch sử mà Bác để lại để học tập và làm theo lời ước nguyện của Người.

Th.S TRẦN TRỌNG HƯỚNG