Đối với du lịch Thừa Thiên Huế, theo một con số thống kê, năm 2018, Thừa Thiên Huế ước đón được 4,332 triệu lượt khách (cả quốc tế và nội địa). Doanh thu ngành du lịch ước đạt 4.400 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi du khách đến Huế chi tiêu khoảng hơn 1 triệu đồng. Ở Huế, khách lưu trú chỉ loanh quanh con số 2 ngày, nghĩa là mỗi ngày chi tiêu trung bình 500.000 đồng. Có một con số khác do Tổng cục Du lịch công bố, mỗi ngày khách quốc tế ở Việt Nam chỉ tiêu khoảng 96 USD (số liệu công bố tháng 12/2018).

Điều này cho chúng ta thấy về phía khách: Khách đến Huế có thể phần lớn là khách không sang nên mức chi tiêu thấp. Về phía chủ nhà, rất có thể chúng ta chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch đẳng cấp để thu tiền. Gần đây, có một số khu du lịch đẳng cấp 4 -5 sao ra đời nhưng điều này chưa cải thiện được tình hình chi tiêu của du khách. Con số nêu trên đã cho thấy điều đó, 6 tháng đầu năm 2019 đón 2,5 triệu lượt khách nhưng doanh thu chỉ được hơn 2.400 tỷ đồng, tính trung bình du khách chi tiêu còn thấp hơn 2018.

Hôm trước về cảng Chân Mây, trò chuyện với một người quen làm việc ở cảng, tôi được biết, cảng Chân Mây hàng năm đón ngày càng nhiều hơn khách du lịch tàu biển. Mỗi khi cập, tàu trả hàng ngàn khách. Tàu du lịch biển là tàu hạng sang thuộc hàng 5 - 6 sao. Thế nhưng khi tàu cập cảng, phần lớn du khách đi vào Đà Nẵng, lượng khách đi xe “75” rất ít. Tôi đã nghe câu chuyện này nhiều nhưng đây là lần đầu tiên “trò chuyện chân tình trực tiếp”. Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng đây là một thực tế để chúng ta nhìn nhận, phấn đấu. Thừa Thiên Huế với nhiều di sản, có tên trên bản đồ du lịch thế giới hẳn hoi, tại sao lại vậy?

Khách du lịch đến Việt Nam chi tiêu đã thấp, đến Huế chi tiêu lại càng thấp hơn. Đó thật sự là một bức tranh, nếu nhìn nhận thẳng thắn là một bức tranh không vui.

Thực ra điều này đáng lo lắng, nhưng càng lo lắng hơn nêu đặt trong thế cạnh tranh, và bức tranh du lịch nhiều tỉnh miền Trung với nhiều điểm du lịch mới nổi và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chúng ta đón khách “hạng trung” thì chúng ta đưa ra thị trường các dịch vụ cũng tương ứng như vậy. Một khi điểm xuất phát nó thấp thì “bước nhảy" cũng thấp theo. Về lâu dài rất có thể tụt hậu.

Chúng ta chỉ hy vọng một điều là Huế khác biệt – cảnh quan, môi trường, văn hóa… Có thể đến một ngày nào đó tình hình sẽ cải thiện?

Nguyên Lê