Chuông vàng thuộc họ Hoa chuông (còn được gọi là họ Quao) – Bignoniaceae, với tên khoa học là Tabebuia argentea (tên khác là Tabebuia aurea hoặc Tabebuia caraiba), tên tiếng Anh là Caribbean Trumpet Tree, Silver Trumpet Tree, Yellow Tabebuia. Đây là nguồn gen có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thường phổ biến ở các nước Suriname, Brazil, Bolivia, Peru, Paraguay và miền Bắc Argentina.

Cây thuộc dạng gỗ nhỏ, thường có chiều cao trung bình từ 5-7m nhưng có thể đạt chiều cao lý tưởng trên 15m khi ở trong điều kiện sống tối ưu. Để cây phát huy hết vẻ đẹp, đất trồng cần có độ màu mỡ cao, tơi xốp, đủ ẩm nhưng không úng nước. Cây có hệ rễ phát tán mạnh, có thể lan tỏa đến 10m, nên chúng tận dụng dinh dưỡng đất rất mạnh, có thể cạnh tranh mãnh liệt không gian dinh dưỡng với nhiều cây đồng hành. Do vậy, khi trồng nhiều cây hoa chuông vàng trên một không gian đa chủng loại, cần chú ý chăm bón đầy đủ thì cây mới sinh trưởng phát triển tốt.


Cây chuông vàng ở công viên Phú Xuân.

Ngoài khả năng cho hoa sặc sỡ và hấp dẫn, cây còn có thân và lá đẹp. Thân cây hình trụ suông, có vỏ màu trắng bạc; mang nhũng vòm lá màu xanh bạc bất xứng, với kiểu lá kép chân vịt 5-7 lá chét; hoa to, tràng hình chuông 5 thùy, đường kính tràng hoa đạt 5-6cm. Do có ngoại hình đẹp, hiện nay trên thế giới, cây được trồng khá phổ biến ở nhiều vùng nhiệt đới và á nhiệt đới với mục đích tôn tạo cảnh quan. Ngoài việc trồng làm cảnh ở các công viên, vỉa hè, điểm xanh, các không gian công cộng khác, cây còn được trồng trong chậu làm cây tiểu cảnh.
 
Cây được nhân giống bằng hạt. Cũng có thể nhân giống bằng cách giâm cành. Cây non yếu cần được che chắn, tránh ánh nắng trực xạ gay gắt vào mùa khô nóng và tránh gió rét vào mùa đông. Điểm hạn chế cần lưu ý là cây có thân cành dòn, dễ gãy, chống chịu gió bão kém, lúc trồng, cần chọn ở những nơi kín gió. Cây ra hoa vào đầu mùa khô. Ở miền Nam Việt Nam, cây thường ra hoa vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5. Tất nhiên thời kỳ ra hoa này có thể thay đổi theo tuổi cây và theo điều kiện tiểu khí hậu.
 
Ở Huế, cây vừa được nhập về trồng được nửa thập niên nay, chưa được trồng rộng rãi, chỉ mới thấy xuất hiện một ít ở vài công viên dọc bờ sông Hương. Vài năm trở lại đây, đã có nhiều cây ở công viên Phú Xuân và ở vườn ươm Thủy Xuân do Trung tâm Công viên Cây xanh quản lý ra hoa rải rác, chưa rộ và cũng chưa đồng loạt, nên chưa thấy bắt mắt. Do tuổi cây còn nhỏ, nên cũng chưa thấy cây rụng hầu hết lá khi ra hoa như những cây được giới thiệu phần lớn, hoa nở xen với lá và lượng lá trên cành vẫn còn nhiều hơn lượng hoa.
 
Với Huế, cây chuông vàng là một nguồn gen mới, còn khá xa lạ với nhiều người. Hy vọng trong thời gian tới, cơ quan quản lý có phương án chọn nơi trồng thích hợp với số lượng hợp lý. Tất nhiên, cũng cần nghĩ tới những điểm hạn chế của nó để tránh những thiệt hại và kém bền vững về sau.
 
Đỗ Xuân Cẩm