Đông vui hơn và không còn tĩnh lặng như trước – đó là điều mà ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ trong một hội thảo mới đây về vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) thế giới qua thực tiễn Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Cũng theo ông Hoàng, đây cũng là dự báo của sự bất lợi đối với một đô thị di sản.

Xoay quanh trục chính là phát triển kinh tế đã tạo áp lực lên di sản, có khá nhiều vấn đề đã được đặt ra. Chẳng hạn việc thay đổi chủ sở hữu các công trình, nhà ở trong phố cổ và việc xuất hiện người nơi khác đến kinh doanh, làm dịch vụ; sự phôi pha của di sản ký ức ngay tại vùng lõi của di sản đồng thời với hiện tượng người dân bản địa lựa chọn nơi khác để sống và rời khỏi Hội An, sự mai một của các ngành nghề truyền thống… vốn là những giá trị đã làm nên hồn cốt của đô thị cổ này. Có lẽ, đây cũng là lần đầu tiên, những vấn đề này đã được đặt lên bàn nghị sự, như một mối lo và đề nghị của người trong cuộc (tỉnh Quảng Nam). Đó cũng là cách để lắng nghe, thu nhận ý kiến, đề xuất cũng như các tham vấn từ các chuyên gia trong và ngoài nước trước những tác động đối với di sản.

Trong mối tương quan chung, thành phố nhỏ nhắn xinh đẹp bên bờ sông Hoài vẫn đang được xem như là một thành công trong phát triển du lịch, dịch vụ. Điều này có thể nhìn vào lượng khách, chi tiêu từ khách và nguồn doanh thu tăng trưởng mỗi năm. Theo tôi, đó là những thành quả đến từ việc hoạch định giữa bảo tồn và phát triển. Nhưng thực tế lại là một sự phát triển khác và đương nhiên là nó có xu thế khác đi từng ngày bởi sự tương tác và chi phối của con người, của đời sống kinh tế. Chính vì thế, dù chưa phải là báo động đỏ, song những mối quan hệ trong sự phát triển này đã tác động một cách bất lợi đến công cuộc bảo tồn di sản, nhất là di sản ký ức thuộc về cộng đồng sinh sống trong lòng đô thị di sản ấy. Những điều này được đề cập dựa trên nguyên lý tái hiện hay phục dựng cũng chỉ là phiên bản. Điều này dễ hơn nhiều so với việc bảo tồn và nuôi dưỡng cuộc sống như vốn có trong lòng di sản ấy.

Có vẻ như những điều này chưa phải là vấn đề của vùng Huế, cho dù việc “chảy máu” nhà rường rộ lên trong nhiều năm về trước đã không còn nữa. Huế cũng chưa rộ lên việc lựa chọn để đầu tư kinh doanh dịch vụ của người từ các nơi khác đến như Hội An. Nhưng bên cạnh sự trầm mặc và phong thái sống chậm như một yếu tố thu hút bên cạnh các yếu tố thu hút khác, có những điều Huế đã không thể giữ lại trong dòng chảy thời gian. Như một vùng gạo de An Cựu đã mất hút. Như một phố cổ Bao Vinh chừng như sắp tàn lụi nếu không kịp thời có những cách thức để bảo tồn và gìn giữ, hay những ngôi nhà vườn đúng nghĩa đã là con số ít giữa sự phát triển của đời sống đô thị. Và cho dù không đến nỗi phải quá lo lắng, song rõ ràng là Huế cũng sẽ mai một dần những ông già, bà già như một phần ký ức cũ – nói theo cách của Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Đặng Khánh Ngọc. Người Huế trẻ bây chừ vẫn dễ thương, vẫn sống chậm hơn so với những địa phương khác nhưng những câu chuyện cũ, những tinh hoa nghề cũ như là bản sắc văn hóa và di sản vùng đất vẫn thật khó để giữ gìn…

Bất lợi đã nhìn thấy, song làm thế nào để hóa giải những bất lợi ấy, vẫn là bài toán khó cho dòng chảy của bất cứ một đô thị di sản hay vùng di sản nào.

MINH HÀ