Vụ án bị cáo D. phạm tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” quy định tại Điều 142 BLHS năm 2015 là một trong những vụ án xâm hại trẻ em mang tính chất nghiêm trọng. “Nguồn gốc” dẫn đến hành vi tội phạm khiến bất cứ ai, nhất là các bậc cha mẹ đều phải giật mình.
Thông qua mạng xã hội facebook, D. (22 tuổi) làm quen với cháu L. (chưa đủ 13 tuổi). Hôm đó cháu L. ra quán internet chơi; vào facebook nói chuyện với D. là mình hiện đang bỏ nhà đi, không có chỗ ngủ và hỏi D. chỗ ngủ qua đêm. D. đồng ý rồi đến chở “bạn” về nhà nghỉ trên địa bàn TP. Huế thuê phòng. D. cùng 3 thanh niên khác cũng trong tình trạng bỏ nhà lang thang đã thuê 1 phòng trước đó tại nhà nghỉ này. Sau khi cùng nhóm thanh niên sử dụng ma túy đá, D. và L. dắt nhau lên phòng của L. làm chuyện người lớn. Sau 3 ngày con gái bỏ nhà đi, người mẹ đến nhà nghỉ tìm được L. đưa về, đồng thời trình báo công an về hành vi phạm tội của D.
Tương tự, thông qua mạng xã hội Facebook, Kh. (19 tuổi) làm quen kết bạn với Tr. (chưa đủ 13 tuổi). Sau thời gian quen nhau cả hai nảy sinh tình cảm yêu đương nam nữ. Kh. rủ Tr. cùng đi chơi và thuê phòng nghỉ tại nhà nghỉ và có quan hệ nam nữ. Nhiều ngày không thấy con gái về nhà, bố mẹ Tr. báo công an và tổ chức đi tìm. Tìm thấy Tr. cùng Kh. trong quán nét, bố mẹ Tr. đưa cả hai đến công an. Kh. bị truy tố, xét xử về tội “hiếp dâm trẻ em” theo Điều 112 BLHS 1999. Một vụ án khác: nạn nhân chưa đủ 13 tuổi, nhưng do tham gia ăn uống cùng với nhóm thanh niên (là người quen) và bị các bị cáo xâm hại khi nạn nhân này rơi vào tình trạng say rượu.
Với sự chung tay của xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của TAND hai cấp, thông qua công tác xét xử, tội phạm xâm hại trẻ em đến nay giảm gần 35% so với năm 2018. |
Theo Thẩm phán Nguyễn Thanh Lộc, Chánh tòa hình sự, TAND tỉnh, thực tiễn xét xử cho thấy rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ án xâm hại trẻ em. Đó là: Các đối tượng xấu cố tình thực hiện hành vi phạm tội đối với những cháu bé còn quá nhỏ tuổi, chưa ý thức được gì; lợi dụng mối quan hệ quen biết trước đó với gia đình nạn nhân, nhân lúc người thân các cháu vắng nhà, sơ hở hoặc dùng bánh kẹo dụ dỗ các cháu đến nơi vắng vẻ để phạm tội. Hoặc như các vụ án nêu trên, bị cáo và bị hại đều từ làm quen trên mạng xã hội, sa vào yêu đương sớm, lêu lổng, thiếu sự quan tâm, quản lý, uốn nắn kịp thời từ phía gia đình.
“Với loại tội phạm này, các bị cáo đều bị xử phạt với mức án nghiêm khắc, để không chỉ bản thân bị cáo “thấm thía” mà bất cứ các bậc cha mẹ nào cũng “giật mình”, quan tâm con sâu sát hơn. Đối với “phía” người bị hại, quá trình xét xử, hội đồng xét xử rất chú trọng phân tích để tất cả mọi người được cảnh tỉnh rằng, sự lơ đễnh, mất cảnh giác của người lớn sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ nhỏ trở thành “con mồi” cho tội phạm này. Mặt khác, nhiều trường hợp các bé gái yêu đương sớm, “lạc đường”, dẫn đến là nạn nhân của hành vi tội phạm. Thậm chí, cái “gật đầu” của người bị hại là sự “tiếp tay” cho tội phạm xảy ra. Trách nhiệm là của cả cộng đồng, xã hội, nhưng sự quan tâm, giáo dục, “quản” con từ phía gia đình là biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này từ gốc rễ. Qua “kênh” truyền thông, những cảnh báo mà tòa án đưa ra dưới mọi hình thức đã “lan tỏa”, giúp mọi người nâng cao nhận thức, hành động để bảo vệ con, cháu của mình hạn chế sa vào phạm tội hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm”- Thẩm phán Nguyễn Thanh Lộc chia sẻ.
Quỳnh Anh