Thanh trà - đặc sản Huế đa số được tiêu thụ trong tỉnh

Có sản phẩm tiềm năng

Thanh trà, một trong những loại trái cây đặc trưng của Huế, có giá trị cả về lịch sử và lọt vào danh sách top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Loại trái cây này đã hấp dẫn nhiều du khách khi đến Huế; những nhà vườn thanh trà Thủy Biều (TP. Huế) là lựa chọn của nhiều tour, tuyến du lịch. Từ nền tảng đó, nếu thanh trà được mở rộng thị trường, có mặt tại kệ hàng ở các nước trên thế giới sẽ dễ có chỗ đứng.

“Về Huế thời điểm này, tôi có dịp thưởng thức thanh trà, một loại trái cây chỉ Huế mới có. Song, loại đặc sản này không thấy xuất hiện ở Mỹ và một số nước tôi từng đến”, ông Trương Văn Duy (Việt kiều Mỹ) chia sẻ.

Ngoài thanh trà, rau má Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) là một trong các loại nông sản được UBND tỉnh xác định là sản phẩm chủ lực. Hiện nay, nhiều sản phẩm từ rau má như, trà rau má sấy khô, nước rau má đóng chai, cao rau má, thực phẩm chức năng rau má… được Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Quảng Thọ 2 triển khai. Những công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại ra đời khiến thị trường của sản phẩm được mở rộng trong nội địa, và ra nước ngoài theo đường xách tay, tiểu ngạch.

Theo ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2, khi những dây chuyền công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm, thu nhập của người dân địa phương được nâng lên, diện tích vùng nguyên liệu toàn xã mở rộng, tăng lên khoảng 45ha. Hiện, HTX còn sản xuất thành công trà rau má sấy khô với công suất từ 7-10 tấn sản phẩm/tháng.

TS, nhà nông học Lê Tiến Dũng - nguyên giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế, ĐH Huế cho rằng, so với các tỉnh thành lớn trong cả nước, quy mô sản xuất nông sản Thừa Thiên Huế không bằng nhưng xét về giá trị thực chất, nhiều loại nông sản của Huế có giá trị cao. Giá trị này không chỉ được cân đo đong đếm mà còn cả yếu tố lịch sử, bản sắc.

“Nhiều loại nông sản nếu nhắc tên chỉ có Huế mới có như, thanh trà, quýt Hương Cần, sen Huế, gạo Ra Dư (A Lưới)... Đây là những loại nông sản có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu. Nhiều người cho rằng, số lượng không lớn nhưng theo tôi những sản phẩm đó có thể xuất khẩu về mặt giá trị, nếu có được lộ trình đầu tư đúng hướng”, TS. Lê Tiến Dũng nói.

Trà rau má Quảng Thọ đang là sản phẩm được tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa

Nhiều trở lực

Tại Thừa Thiên Huế đến thời điểm này, dường như chưa có sản phẩm nông sản nào vươn ra thế giới theo đường chính ngạch.

Trao đổi với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đứng chân ở Huế thì sản phẩm nông sản có nguồn gốc từ Huế được chọn “mang” ra nước ngoài rất ít. Gần đây, 4 tấn gia vị bún bò Huế của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue lần đầu tiên xuất hiện trên kệ hàng nước Mỹ theo đường chính ngạch. Đây là sản phẩm hiếm hoi được chế biến từ nguyên liệu là các loại nông sản ở Huế như sả, hành…

Nói về nguyên nhân nông sản “trắng” xuất khẩu, ông Hồ Đăng Khoa cho rằng, khó về vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến, tư duy sản xuất của người dân và yếu tố thời tiết là trở ngại khiến nông sản Huế không thể vươn tầm.

“Gia vị bún bò Huế của YesHue xuất khẩu được là do họ giải quyết được vấn đề vùng nguyên liệu, tạo nên sản phẩm đặc sản của Huế qua cách chế biến và làm tốt khâu quảng bá. Các loại sản phẩm nông sản khác vẫn chưa làm được điều này. Đơn cử diện tích thành trà, sen Huế mặc dù được mở rộng nhưng vẫn chưa tạo ra được vùng nguyên liệu đủ lớn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, công nghệ chế biến sản phẩm vẫn đáp ứng yêu cầu. Nông sản Huế phụ thuộc vào thời tiết, lúc được mùa lúc mất mùa nên khó xuất khẩu. Một sản phẩm khác là rau má dù giải được bài toán vùng nguyên liệu nhưng sản phẩm từ loại nông sản này chỉ mới dừng ở việc tiêu thụ nội địa, khâu quảng bá lẫn vấn đề đa dạng hóa các sản phẩm còn nhiều trở lực”, ông Khoa nói.

Trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của Bộ NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm chủ lực gồm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình theo chuỗi…

Trước những biến động, khó khăn về sản xuất nông sản, UBND tỉnh đã xác định những nhóm sản phẩm chủ lực. Theo đó, vùng thanh trà toàn tỉnh sẽ được mở rộng và hỗ trợ xây dựng quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho thanh trà, phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP; xây dựng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa đạt chuẩn VietGAP, kêu gọi đầu tư máy xay xát gạo đạt sản phẩm xuất khẩu; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu sen Huế, nghiên cứu bảo tồn nguồn gen gốc của sen Huế…

“Dù rất khó nhưng để đánh thức tiềm năng xuất khẩu nông sản Thừa Thiên Huế trước tiên cần sự đầu tư cho sản phẩm chủ lực, đặc sản, chỉ chọn một hoặc hai loại để đầu tư về mặt chuyên môn như, nghiên cứu nguồn gen, công nghệ sản xuất, chế biến, nhân rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo có số lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường. Đồng thời, phải liên kết với các doanh nghiệp lớn và thay đổi tư duy sản xuất của người dân”, TS, nhà nông học Lê Tiến Dũng nói.

Bài, ảnh: Lê Thọ