Học sinh cổ động bảo vệ rừng

Giáo dục bảo vệ môi trường từ học sinh

Em Nguyễn Thành Đạt, học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Nam Đông, rất hào hứng khi tham gia CLB kiểm lâm “tí hon” chung tay bảo vệ VQGBM. Từ khi thành lập đến nay, hầu hết các hoạt động của CLB, Đạt đều hưởng ứng tham gia. Đạt nói: “Bảo vệ rừng (BVR), động vật hoang dã là trách nhiệm của mỗi người. Học sinh như chúng em càng ý thức hơn trong việc BVR vì rừng là “của chúng em” hôm nay và tương lai”.

Các hoạt động đầy ý nghĩa từ các CLB kiểm lâm của nhà trường không chỉ giúp Đạt cũng như các bạn học sinh nâng cao nhận thức BVR mà còn mang những kiến thức đó truyền đạt cho các thành viên trong gia đình, người thân để chung tay bảo vệ VQGBM nói riêng và BVR nói chung.

Thầy Nguyễn Tất Toàn, giáo viên phụ trách CLB kiểm lâm “tí hon” Trường Dân tộc nội trú huyện Nam Đông rất vui khi các em học sinh ý thức được trách nhiệm của mình trong việc BVR nói chung, bảo vệ VQGMB nói riêng: “Các em luôn hào hứng tham gia các buổi sinh hoạt CLB, thảo luận sôi nổi các chủ đề xoay quanh những câu hỏi, giải pháp BVR và môi trường sống”, thầy Toàn kể.

Gà lôi lam xuất hiện ở VQGMB

Giám đốc VQGBM, ông Đoàn Hoài Nam thông tin, những năm qua ,VQGBM luôn chú trọng công tác giáo dục môi trường, vận động Nhân dân tham gia BVR với phương châm “mưa dầm thấm sâu”. Hàng năm, vườn tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động, kết hợp với các đài phát thanh hai huyện Phú Lộc và Nam Đông để phát các bản tin với nội dung vận động người dân tham gia BVR. Cán bộ VQGBM thường xuyên theo dõi các đối tượng chuyên sống bằng nghề rừng và tổ chức đối thoại, vận động, hỗ trợ chuyển đổi nghề, giảm tác động đến rừng…

Đối tượng mà VQGBM hướng đến là các em học sinh, thế hệ tương lai. Hiện tại địa bàn hai huyện Phú Lộc và Nam Đông đã thành lập 1 CLB BTTN và 4 CLB kiểm lâm “tí hon”. Các CLB BTTN ở các trường học định kỳ tổ chức các đợt sinh hoạt với các chủ đề đa dạng, phong phú về thiên nhiên, môi trường, BVR… Trong các buổi sinh hoạt, các em được tham gia các trò chơi, xây dựng các kỹ năng làm việc nhóm… với các nội dung liên quan BVR, bảo vệ môi trường. Từ đó các em tham gia vận động người thân, gia đình và toàn xã hội cùng tham gia BVR.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Ông Đoàn Hoài Nam thông tin, thông qua các em học sinh, VQGBM đã gửi gắm nhiều thông điệp đến với người dân chuyên sống bằng nghề rừng, từ đó hạn chế tối đa áp lực sinh kế dựa vào rừng. Một thời có đến hàng trăm hộ chuyên sống dựa vào rừng, thường xuyên chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Đến nay qua nắm bắt chỉ còn vài chục hộ, chủ yếu làm “nghề củi”. VQGBM đang tiếp tục quản lý, giám sát, vận động, đồng thời hỗ trợ các hộ này chuyển đổi nghề phù hợp, không phụ thuộc vào rừng.

Ông Nam đánh giá, những năm gần đây VQGBM làm tốt công tác quản lý, BVR, động vật hoang dã, số vụ vi phạm năm sau đều giảm so với năm trước. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công trong quản lý, BVR là công tác giáo dục nâng cao nhận thức người dân vùng đệm của vườn.

Vooc chà vá sinh sôi ngày càng nhiều tại VQGMB

VQGBM thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức BVR, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh báo các mối nguy hại ảnh hưởng đến thiên nhiên, môi trường đến với các em học sinh sống tại các xã vùng đệm VQGBM. Mới đây, VQGBM tổ chức hội thi vẽ tranh và hùng biện với chủ đề “Chung sức bảo vệ màu xanh Bạch Mã quê em”. Tất cả 100 bức tranh của các em đều rất sinh động và gần gũi với những cảnh vật hàng ngày. Qua những bức tranh, các em gửi gắm đến với mọi người những thông điệp: “Hãy để cho động vật hoang dã sống trong ngôi nhà xanh an toàn”, hoặc “VQGBM là khu vườn yên tĩnh”.

Cùng với hoạt động tuyên truyền, giáo dục, VQGBM tổ chức hàng trăm đợt tuần tra, kiểm soát, truy quét tại rừng, chốt chặn, kiểm tra vận chuyển lâm sản bằng đường sông tại các địa bàn xã Thượng Nhật, Hương Lộc (Nam Đông), Ating, Sông Kôn (Đông Giang, Quảng Nam). Cán bộ vườn vận động, đôn đốc người dân xã Lộc Hòa (Phú Lộc) di dời đàn trâu chăn thả trái phép trong vườn ra khỏi địa bàn. Việc thực hiện đồng bộ giữa truy quét và chốt chặn đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép…

Từ năm 2015 đến nay, VQGBM phối hợp với các CLB BTTN ở trường học tổ chức hơn 80 đợt sinh hoạt cho các em học sinh, 8 đợt diễu hành cổ động BVR và 1 đợt “đạp xe vì môi trường”. Các CLB tham gia nhiều tiết mục đặc sắc trong 7 đợt văn nghệ với chủ đề “Chung tay bảo vệ rừng” do VQGBM tổ chức. Đây được xem là hành động của các em chung tay BVR, vì môi trường thân yêu. Các em đã đi qua các tuyến đường, khu dân cư với các băng rôn, hô vang những câu khẩu hiệu BVR nhằm “thức tỉnh” những ai từng sống dựa vào rừng, khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã, từ đó thay đổi nhận thức, chung tay BVR.

 
Bài, ảnh: H. Triều- K. Ninh