Một góc ngôi nhà cổ trong làng cổ Oshino Hakkai
Hôm chúng tôi đến tham quan làng cổ thời tiết khá mát mẻ, xe vừa rẽ vào đường làng đã thấy trong các khu vườn có những bác nông dân đang lúi húi làm vườn. Những con đường trong làng chạy quanh co, cây xanh phủ bóng mát tạo nên không khí bình yên đến dễ chịu. Một vài du khách thốt lên: “Không thấy bóng người mà đường sạch tinh tươm, thi thoảng mới thấy vài chiếc lá khô vừa rơi”.
Chỉ tay về phía một sạp hàng bày bán sản vật tự trồng ven đường, hướng dẫn viên Cao Thế Vương giới thiệu: “Chủ nhân của các quầy hàng không đứng bán, họ là những nông dân đang làm vườn ngoài kia; người đến mua chỉ cần xem giá dán trên mỗi sản phẩm rồi để tiền vào một chiếc thùng treo bên cạnh. Bao giờ xong việc, chủ hàng sẽ về quầy lấy tiền mà không hề lo lắng đến việc thất thoát”. Để kiểm chứng về cách mua bán khác lạ, chúng tôi đến một cửa hàng như vậy để quan sát thì thấy ngoài một chiếc thùng đựng tiền giấy bằng gỗ treo cố định bên cột nhà, trên sạp hàng còn có một rổ đựng tiền xu để khách tự nhận lại tiền thừa.
Quanh làng có nhiều hồ nước nhỏ nằm rải rác; nước trong hồ trong vắt đến mức nhìn rõ thấy rong rêu cùng đàn cá đủ sắc màu bơi lội tạo nên một bức tranh sinh cảnh tuyệt vời khiến chúng tôi không ngừng bấm máy ảnh. Đến bên một chiếc hồ rộng, Vương giải thích: “Trong làng có 8 hồ nước lớn nhỏ, tất cả là dấu tích của các miệng núi lửa xưa kia. Hồ nước này sâu 8 mét là một trong những hồ sâu nhất của làng”.
Trong làng có một siêu thị chủ yếu bán các món ăn vặt của Nhật với đủ hương vị từ bánh mochi cho đến hạt dẻ nướng, mực wasabi, shushi kumamon và nhất là các loại trái cây sấy... Các cửa hàng đều để sẵn các thức ăn có trong cửa hàng để khách ăn thoải mái trước khi mua. Ban đầu khi nghe giới thiệu cách bán hàng như thế, không chỉ riêng tôi mà hầu hết mọi người đều hơi thắc mắc về sự thiệt hơn cho người bán hàng. Thực tế, một người chỉ thử mỗi món một tí và ai cũng không thể kìm lòng để mua cho mình vài món đồ ăn đặc sản của nơi mình từng đến tham quan và còn mua thêm những món đồ lưu niệm về làm quà. Cái chính là dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng với nụ cười thường trực trên môi người bán khiến người mua rất hài lòng với những món hàng mua được.
Ba mẹ con tôi đã lỉnh kỉnh các món hàng, nhưng đến lúc xe đã ra khỏi làng cổ một đoạn mà Nam, một du khách người Quảng Ngãi, vẫn còn tỏ ra tiếc nuối: “Thời gian thăm làng cổ hạn chế qua, còn bao nhiêu thứ em vẫn chưa mua được”.
Lối sống chân thật, thân thiện của người Nhật và cảnh đẹp thiên nhiên tuy đã làm du khách ngất ngây khi đến với làng cổ Oshino Hakkai, nhưng điều cuốn hút hơn cả lại chính là sự nguyên vẹn về góc xưa cũ mà chúng tôi dễ dàng nhận ra ở nơi đây.
Cũng như làng cổ PhướcTtích của chúng ta, những ngôi nhà ở làng cổ Oshino Hakkai vẫn có người sinh sống với nhịp sống cũng tĩnh lặng, chậm rãi; khác là, hình ảnh sinh hoạt của người Nhật xưa vẫn được tái hiện qua những bức tường bên ngoài mỗi ngôi nhà không chỉ treo đồ gia dụng từ xa xưa mà còn có cả nông sản vừa trồng hái được; chiếc cối xay vẫn vừa được lau chùi sạch sẽ như mới hoạt động xong; những phong tục tập quán đặc sắc cũng được tái hiện thông qua cách làm nghề nông... những điều này khiến người Nhật cao tuổi đặc biệt yêu thích Oshino Hakkai nên mọi giá trị trong ngôi làng này đều được trân quý và giữ gìn.
Nếu nói về độ cổ kính thì những ngôi nhà rường của chúng ta giữ được nét cổ kính hơn, nhưng việc lưu giữ được nét xưa cổ trong cả sinh hoạt hàng ngày thời nay thì ở làng cổ của xứ sở mặt trời mọc làm tốt hơn chúng ta và nhờ thế đã để lại những ấn tượng mạnh trong lòng du khách khi đến Nhật Bản.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN