Tỷ lệ người cao tuổi đạt mức cao kỷ lục trong năm 2018, chiếm 28.4% tổng dân số nưới này. Ảnh: AFP/Dantri

Lượng công dân từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản – quốc gia có dân số già nhất thế giới, đứng ở mức 35,88 triệu người, tăng 320.000 người so với một năm trước đó, dữ liệu được công bố bởi Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho hay.

Italy – quốc gia có tỷ lệ người già ở mức trên 23% dân số, là xã hội già thứ hai thế giới và Bồ Đào Nha đứng thứ ba với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 22,4%.

Cũng theo Japan Times, số người Nhật từ 90 tuổi trở lên đạt 2,31 triệu người, trong đó có hơn 71.000 người từ 100 tuổi trở lên.

Viện nghiên cứu an ninh xã hội và dân số quốc gia cho rằng người già Nhật Bản sẽ chiếm 30,0% dân số vào năm 2025 và 35,3% vào năm 2040.

Tỷ lệ người cao tuổi có việc làm tăng năm thứ 15 liên tiếp khi đất nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động ngày càng sâu sắc. Trong số 8,62 triệu người cao tuổi có việc làm, 3,50 triệu là phụ nữ. Nhà tuyển dụng lớn nhất của nhóm người cao tuổi là các ngành bán buôn và bán lẻ, với 1,27 triệu lao động cao tuổi, tiếp theo là nông lâm nghiệp với 1,07 triệu người.

Dữ liệu cho thấy quốc gia này đang phải phụ thuộc ngày càng nhiều vào lực lượng lao động là người cao tuổi. Trong bối cảnh đó, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một loạt các bước để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động, chẳng hạn như chấp nhận nhiều lao động nước ngoài hơn và thúc đẩy phụ nữ tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, Nhật Bản dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt 6,44 triệu công nhân vào năm 2030, theo ước tính của Công ty tư vấn và nghiên cứu Persol và Đại học Chuo.

Theo phân tích của các chuyên gia, đảm bảo một lực lượng lao động đầy đủ cũng rất quan trọng để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng ở một xã hội già cỗi.

Hồi tháng 5 vừa qua, chính phủ Nhật Bản cho biết có kế hoạch thúc giục các công ty thuê nhân viên cho đến 70 tuổi như một phần của các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng hiện nay. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cũng có kế hoạch kêu gọi các công ty hỗ trợ nhân viên nghỉ hưu tìm việc làm mới, xây dựng công ty riêng hoặc làm việc tự do.

Chính phủ dự kiến sẽ đệ trình dự luật lên Quốc hội vào năm tới để sửa đổi các luật liên quan, nhưng sẽ không có hình phạt nào trong giai đoạn này ngay cả khi các công ty không tuân thủ.

Dữ liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi công bố cuối tuần trước cho thấy số người từ 100 tuổi trở lên ở Nhật Bản đã lần đầu tiên vượt quá 70.000 người, tăng khoảng 23 lần so với lượng người dân trên trăm tuổi vào năm 1989.

BẢO NGHI (Lược dịch từ The Japan Times)