Indonesia là quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Ảnh: Getty Image

Theo Bộ Tài chính nước này, mức tăng trung bình 23% thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá thuốc lá bán lẻ lên 35%, sau khi giữ mức thuế tiêu thụ thuốc lá ổn định trong năm 2019.

Thuốc lá là một sản phẩm cực kỳ phổ biến ở Indonesia, nơi 62,9% nam giới trưởng thành và 23% nam thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi hút thuốc. Khảo sát sức khỏe cơ bản năm 2018 (Riskesdas) và Khảo sát sức khỏe học sinh toàn cầu năm 2015 cho thấy, 33,8% người trưởng thành và 12,7% trẻ em ở nước này hút thuốc - và lượng trẻ em hút thuốc đang gia tăng.

Với văn hóa hút thuốc ở Indonesia và tiếp xúc nhiều với thuốc lá, việc tăng giá có thể giúp giảm việc tiêu thụ thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc trong thời gian ngắn. Hiện tại, giá thuốc lá của Indonesia thuộc hàng thấp nhất thế giới, trung bình từ khoảng 17.000 Rp/gói (1,2 USD/gói) trở lên. Đó là mức giá phải chăng ngay cả đối với người nghèo. Về lâu dài, sự nhất quán của chính phủ trong việc tăng thuế tiêu thụ thuốc lá và giá bán lẻ cao hơn nhiều so với mức hôm nay có thể tác động đến thói quen tiêu dùng.

Chi phí kinh tế của việc hút thuốc là rất cao. Nghiên cứu của nhà kinh tế Mark Goodchild của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, chi tiêu y tế liên quan đến hút thuốc ở Indonesia lên đến khoảng 1,2 tỷ USD/năm – tương đương với khoảng 8% tổng chi tiêu y tế công cộng. Năm nguyên nhân chính gây tử vong ở Indonesia đều liên quan đến thuốc lá, từ bệnh lao và tiểu đường đến các bệnh về thiếu máu cơ tim, mạch máu não và hô hấp mãn tính, theo Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe.

Indonesia là một trong số ít các quốc gia chưa phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO, mặc dù các bộ đã đưa ra các chính sách tương tự như kiểm soát thuốc lá để hạn chế hút thuốc, bao gồm cả các bộ tiêu chuẩn, cảnh báo về bao bì thuốc lá và hạn chế quảng cáo đối với thuốc lá. Tổng thống Indonesia giải thích rằng lý do không phê chuẩn FCTC là lợi ích quốc gia, khi sinh kế của hàng triệu người dân trong nước phụ thuộc vào thuốc lá, từ nông dân và công nhân nhà máy đến các nhà phân phối và nhân viên bán hàng trong chuỗi cung ứng, cùng với gia đình của họ.

Ngoài ra, nhà nước cũng là “người thụ hưởng” của ngành công nghiệp thuốc lá. Bộ Tài chính Indonesia dự kiến ​​sẽ thu được 171,9 nghìn tỷ Rp từ thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới, gần 8% tổng doanh thu dự kiến ​​của nhà nước trong năm 2020. Bên cạnh là một trong những đơn vị nộp thuế lớn nhất, các nhà sản xuất thuốc lá cũng tài trợ cho nhiều chương trình phát triển của đất nước.

BẢO NGHI (Lược dịch từ The Jakarta Post)