Nguyên nhân thì dễ thấy. Đây là thời điểm tan học của các Trường THPT Quốc Học, Hai Bà Trưng; hết giờ làm việc buổi sáng của Bệnh viện Trung ương Huế và nhiều cơ quan có trụ sở trên trục đường này. Cùng với đó là Nhà hàng 11 Lê Lợi đón khách ăn trưa… Đoạn đường này giao nhau với đường Hà Nội – một trục chính nối giữa bờ Nam và bờ Bắc sông Hương. Tình trạng kẹt xe ngày càng dày hơn vào giờ cao điểm chúng ta cũng đã thấy ở nhiều tuyến đường khác.

Hiện trạng của hai trục đường này thì vẫn vậy từ trước đến nay. Nếu có cái khác hơn gây ra tình trạng này đó chính là một lượng ô tô tăng lên đột biến. Mỗi khi ô tô đã xếp thành hàng dài, chỉ cần một vài xe máy chen ngang, lấn làn đường, rồi nhiều xe máy nữa nối tiếp thế là xảy ra hiện tượng giao thông “hỗn loạn”.

Chúng ta không thể cưỡng lại tình trạng ô tô tăng lên rất nhanh. Ô tô là một trong những phương tiện giao thông cá nhân mà ngày càng có nhiều người sở hữu. Chúng ta cũng không trông đợi nhiều vào “tính nôn nóng” của người Việt trong giao thông cải thiện trong ngày một ngày hai. Càng ít có thể thay đổi hạ tầng giao thông ở trục đường này (cũng như nhiều trục đường khác). Chỉ có một sự thay đổi, đó là điều phối hợp lý dòng lưu thông.

Nhưng điều phối bằng cách nào?

Vào giờ cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông tham gia điều phối dòng lưu thông đã thực hiện từ rất lâu, nhưng hiện tượng ùn tắc vẫn không giảm. Vậy nay chúng ta thử tìm một cách khác. VOV giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam), HOV giao thông (Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh) là hai kênh phát thanh chuyên phát những thông tin về giao thông, đặc biệt là thông tin tình trạng ùn tắc đường vào giờ cao điểm, đã góp phần rất lớn thông tin cho người lựa chọn các tuyến đường để đi.

Chúng ta có thể học tập điều này và áp dụng cho các kênh truyền thông ở địa phương, chẳng hạn như của Đài Phát thanh - truyền hình Thừa Thiên Huế hay kênh online của Báo Thừa Thiên Huế. Hai kênh truyền thông này đều có hạ tầng có thể kết nối với điện thoại thông minh, với những người đi ô tô thì có thể sử dụng radio để theo dõi thông tin về giao thông và có thể tránh, đi những tuyến đường khác.

Hiện tượng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, chúng ta có thể thấy không hề giảm mà có xu hướng ngày càng tăng, người viết bài này có ý đề xuất thông tin về giao thông mở kênh thông tin giao thông chuyên biệt; thông tin về tình trạng giao thông ở các nút giao thông thường hay xảy ra ùn tắc trước và sau thời gian cao điểm từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ; chạy trên nền tảng phát thanh và hạ tầng internet qua hình thức online.

Những hạ tầng này đã có sẵn của các kênh truyền thông địa phương nên tổ chức sản xuất (phản ánh tại hiện trường kết nối về nơi phát sóng) và phát sóng không tốn nhiều chi phí và nguồn nhân lực. Nguồn kinh phí có thể hỗ trợ từ nguồn của Ủy ban quốc gia An toàn giao thông (ở địa phương là Ban An toàn giao thông) hoặc từ các nhà tài trợ nếu đưa vào chương trình này thông tin quảng cáo.

Chương trình này chẳng những thông tin về tình trạng giao thông trong hiện tại (giờ cao điểm) mà còn đưa nhiều thông tin bổ ích khác để tuyên truyền về ý thức giao thông.

Ai đã từng kẹt xe phải nhích từng tí một sẽ thấy những thông tin như thế này là rất hữu ích và thiết thực. Nếu chúng ta chậm có giải pháp, tình trạng ùn tắc giao thông chỉ có thể ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Thanh Lê