Học sinh Trường tiểu học A Ngo (A Lưới) chăm sóc vườn trường

Theo học từ thời gian khó

Trong những năm kháng chiến, Thừa Thiên Huế đã gửi hàng trăm học sinh ra học tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Trong đó, những học sinh, thanh niên người Tà Ôi, Pa Cô, Pahy và Cơtu đã trở thành học sinh ưu tú như: Phan Hiền, Lê Thanh Pring, Lê Hàm, Lê Hành Mực, Lê Mía, Lê Thế Khâm, Hồ Thị Nga, Viên Hồ Mường, Hồ Bách Chiến, Lê Dừa, Ta Nhơ, Um Xuân, Nguyễn Văn Tiến, Lê Anh Miêng.

Trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đã hình thành các Trường học sinh Dân tộc miền Nam số 3, 5, 11, Trường Sư phạm miền núi Trung ương, Trường Cán bộ dân tộc miền Nam Trung ương. Những ngôi trường này suốt thời gian dài đã bồi dưỡng và đào tạo cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế tổng cộng 114 học sinh.

Bên cạnh những học sinh ra Bắc học tập, thì ngay tại miền núi của các địa phương A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền những cán bộ là các đảng viên, chiến sĩ cách mạng người Kinh đã dạy chữ và đào tạo nhiều cán bộ trẻ là người dân tộc thiểu số như: Cu Pông, Côn Hư, Ăm Mật, Ăm Mít, Cu Pàng. Sau những năm đi gieo chữ, những hạt giống đỏ đầu tiên đã giúp được hơn 100 học viên khác đọc thông, viết thạo cả tiếng dân tộc và tiếng phổ thông.

Phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hóa một thời ở miền Tây Thừa Thiên Huế cũng đã góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, làm cho vùng núi của tỉnh trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), những người con ưu tú của các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế trở về địa phương công tác và đảm nhận các chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ tiếp tục làm công tác sự nghiệp trồng người như các thầy, cô: Lê Thế Khâm, Kăn Tình, Hồ Thanh Bờ, Kăn Chương, Hồ Thị Hoa, Prung Xuy.

Thành quả

Từ năm 2009 đến nay, có gần 200 con em người dân tộc thiểu số thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hệ chính quy. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương cử tuyển vào đại học, cao đẳng con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện chính sách để đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho vùng dân tộc thiểu số. Trong 5 năm (2009 - 2014), đã xét chọn được 98 con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học cử tuyển tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006. UBND tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo việc sử dụng sinh viên theo học hệ cử tuyển, từng bước bảo đảm gắn đào tạo với sử dụng con em người dân tộc thiểu số. Thành quả này mở ra triển vọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ cho vùng dân tộc thiểu số.

Những thế hệ cử nhân qua các năm đã ra trường và trở về quê hương phục vụ Nhân dân. Trong số đó có những người là tiến sĩ, thạc sĩ. Hiện tại, trong đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở tỉnh có 1 tiến sĩ, 7 thạc sĩ. Bí thư Huyện ủy A Lưới và Bí thư Huyện ủy Nam Đông đều là nữ, là người dân tộc thiểu số.

Toàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh có 2.785 giáo viên các cấp và bậc học; trong đó người dân tộc thiểu số có 439 giáo viên. Trên 1.480 cán bộ người dân tộc thiểu số đang làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã. Và không chỉ đã thoát nạn mù chữ, vùng dân tộc thiểu số tỉnh còn là điểm sáng về giáo dục cho nhiều nơi noi theo.

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG