Thiếu quỹ đất, Trường Tiểu học Vĩnh Ninh không đạt các tiêu chí Trường chuẩn quốc gia

Nằm ở vị trí trung tâm TP, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dạy học thường xuyên được đầu tư nâng cấp, đội ngũ giáo viên tích cực thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng đổi mới, song đến nay Trường tiểu học (TH) Vĩnh Ninh vẫn chưa được công nhận ĐCQG.

Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Nguyễn Ngọc Minh Trang cho biết, do khó khăn về quỹ đất, thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn và diện tích sân chơi bãi tập nên hiện trường chưa đáp ứng các tiêu chí công nhận trường ĐCQG. Theo tiêu chí về quỹ đất, với diện tích 4.000m2, trường chỉ có 30 lớp, song do số lượng học sinh trong và ngoài phường có nhu cầu học đông nên hiện trường có 36 lớp, gần 1.400 học sinh, vượt 6 lớp; một tiêu chí quan trọng nữa đó là sĩ số học sinh không quá 35 em/lớp, song do thiếu phòng học nên hiện mỗi lớp từ 36-38 em.

Theo cô Trang, với số lượng học sinh đông, nhưng trường chỉ có 1 phòng học tin học, tiếng Anh, còn lại các phòng chức năng đều thiếu do không có quỹ đất để xây dựng. Hiện, trường đang đề xuất với TP xin khu đất rộng 2.200m2 của Trường mầm non Vĩnh Ninh (cũ) để mở rộng trường, xây dựng thêm phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng và sân chơi bãi tập đáp ứng nhu cầu học tập và vui chơi của học sinh; đồng thời, đáp ứng các tiêu chí để xây dựng trường ĐCQG theo chuẩn mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo. 

Trường mầm non (MN) An Cựu có hai cơ sở, đóng tại 59 Ngự Bình và kiệt 12 Nguyễn Khoa Chiêm, bao gồm 8 phòng học với số lượng 465 cháu. Được đánh giá là cơ sở MN có chất lượng dạy tốt nên thu hút nhiều phụ huynh cho con em đến học, song do thiếu quỹ đất nên lâu nay trường không thể xây dựng thêm phòng học mới trong khi số lượng cháu đến đăng ký nhập học ngày càng nhiều.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường MN An Cựu thông tin, do thiếu phòng học nên hiện trường không thể tiếp nhận các cháu đến tuổi mẫu giáo đến đăng ký muộn. Không chỉ thiếu phòng học, trường không có phòng chức năng, sân chơi cho cháu hẹp và diện tích mỗi phòng học chỉ 35m2 nên không đáp ứng tiêu chí công nhận trường ĐCQG. Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và đảm bảo các tiêu chí về kiểm định chất lượng giáo dục, trường cần thêm 15 phòng học cho cả 2 cơ sở, song đến nay vẫn chưa có quỹ đất để xây dựng. 

Để thực hiện đề án xây dựng trường ĐCQG, chuẩn bị cho năm học 2019- 2020, TP. Huế đã đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị đối với cả ba ngành học, với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, trong đó xây mới 95 phòng học, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm đồ dùng học tập cho 5 trường MN. Tuy nhiên, theo quy định mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận ĐCQG ban hành tháng 8/2018, có khá nhiều trường học trên địa bàn TP. Huế không thể công nhận trường ĐCQG do không đáp ứng các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về diện tích trường, lớp.

Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo TP. Huế, ông Lâm Thủy cho rằng, mặc dù hằng năm TP đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây mới và cải tạo phòng học, song số phòng học mới tăng lên không nhiều do đa số các cơ sở đều xây dựng phòng học mới trên cơ sở phòng cũ do thiếu quỹ đất, trong khi các trường ở khu vực trung tâm TP hiện không còn quỹ đất để xây dựng nên rất khó để được công nhận trường ĐCQG. Ngoài quỹ đất, một tiêu chí khắt khe nữa đó là tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày phải đạt 100%, trong khi đó trên địa bàn mới đạt 90%.

Ông Lâm Thủy cho hay, năm 2019 TP. Huế có 8 trường đủ điều kiện kiểm định chất lượng để công nhận ĐCQG sau 5 năm, như TH Kim Long 1, 2, Quang Trung, Thuận Lộc, MN Bích Trúc, Thiên Hựu…, song với các tiêu chí mới này, các trường nói trên rất khó đáp ứng yêu cầu. Để đảm bảo các tiêu chí công nhận ĐCQG cũng như nâng cao chất lượng dạy và học, đầu năm học mới 2019- 2020 TP tiếp tục đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các trường học, phấn đấu đến năm 2020 các trường tiểu học đủ cơ sở vật chất để đạt tỷ lệ 100% học sinh học hai buổi/ngày, các trường MN và THCS có đủ phòng chức năng và dụng cụ học tập cần thiết.

Bài, ảnh: Thanh Hương