Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao đổi với doanh nghiệp về giải pháp thanh toán trực tuyến trong du lịch bên lề hội nghị

Tham dự diễn đàn, về phía lãnh đạo tỉnh có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và hơn 200 đại biểu là các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) du lịch và công nghệ thông tin, truyền thông, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, hiệp hội nghề nghiệp, chuyên gia công nghệ thông tin... trên cả nước.

Xu hướng tất yếu

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, với những thành tựu vượt bậc của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh nói riêng đang đối mặt với những cơ hội lớn và cả những thách thức không nhỏ, yêu cầu phải có những chuyển đổi đột phá, kịp thời, mang tính sáng tạo phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thông minh, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch.

Theo xu hướng của du lịch thông minh, các đại biểu cho rằng, điều đặt ra cho Huế là phải xây dựng “Hệ sinh thái du lịch thông minh” và giải quyết được các yếu tố cơ bản, như xây dựng điểm đến thông minh, tạo nên sự trải nghiệm thông minh và hỗ trợ cho công tác quản lý, kinh doanh thông minh; trong đó, lấy người dân, du khách làm trung tâm và đặc biệt là phải có sự tương tác kịp thời giữa ba bên: nhà quản lý, đơn vị kinh doanh du lịch và du khách. Nếu giải quyết được các vấn đề trên, sẽ tạo cơ hội cho ngành du lịch của Huế vươn xa, cạnh tranh với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực.

Các đại biểu, doanh nghiệp tham quan các dịch vụ, ứng dụng mới tại Huế được tổ chức bên lề hội nghị

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngày 30/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đây là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Huế là trong số các địa phương có những bước “chuyển động” mạnh và nhanh chóng để cùng với cả nước xây dựng mục tiêu điểm đến thông minh.

Dù đã có khá nhiều dịch vụ mới, tuy nhiên, đánh giá của ngành du lịch Huế, các dịch vụ chủ yếu mang tính công nghệ, chưa thể xem đó là thông minh. Các ứng dụng công nghệ đang còn ở dạng “tự thân vận động”, nên nhỏ lẻ, thiếu đi một hệ thống thông minh kết nối được cơ quan quản lý, DN, du khách và cộng đồng người dân để có thể tạo thành chuỗi sản phẩm, cung ứng liên hoàn.

Điều đặt ra cho Huế thời gian đến là cần có nguồn lực để đầu tư hạ tầng, yếu tố tiên quyết cho nền tảng phát triển du lịch thông minh, gồm chủ máy, máy trạm, đường truyền tốc độ cao, phủ sóng wifi. Hệ thống dữ liệu được số hóa bằng công nghệ. Nguồn nhân lực có thể sáng tạo, liên kết và tương tác với công nghệ; tăng cường hợp tác công tư, “môi trường” mở với những quyền lợi rõ ràng khi xã hội hóa…

Từ thông minh để hướng đến bền vững

Định hướng của tỉnh về phát triển du lịch thông minh:

Năm 2019: cung cấp dịch vụ thông tin du lịch, thông tin các dịch vụ bổ trợ du lịch, công cụ kết nối DN dịch vụ, sản phẩm. Năm 2020: cung cấp một số dịch vụ du lịch cơ bản, dịch vụ thanh toán điện tử liên kết, liên kết các dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác. Sau năm 2020: hoàn thiện “Hệ sinh thái du lịch thông minh”, hoàn thành nền kinh tế số chia sẻ trong lĩnh vực du lịch.

Tại diễn đàn, ngành du lịch Huế đã ký kết hợp tác với nhiều DN công nghệ hàng đầu trong cả nước, có nhiều thành công trong việc giúp một số địa phương và DN phát triển du lịch dựa trên nên tảng công nghệ số. Với sự góp sức của các DN, ngành du lịch Huế kỳ vọng sẽ tận dụng được những thành tựu của công nghệ trong phát triển du lịch Huế theo hướng thông minh và bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, cùng với những ký kết này, trong thời gian tới, Huế sẽ đồng hành với DN, tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các DN, các tổ chức quốc tế và nhất là sự góp ý, hiến kế của các chuyên gia, các nhóm cộng đồng người dân để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai xây dựng “Hệ sinh thái du lịch thông minh”, là một hợp phần quan trọng bậc nhất trong “Đô thị thông minh” mà Huế đang triển khai.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ cũng mong muốn phát triển ngành du lịch Huế đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên nghiệp là mục tiêu mà Huế quyết tâm đạt được trong năm 2019 và các năm về sau. Để làm được việc này cần đòi hỏi có sự tham gia từ nhiều thành phần, trong đó, sự tham gia của xã hội là vô cùng quan trọng và đặc biệt là sự tham gia tích cực từ phía người dân, DN.

Ông Nguyễn Trùng Khánh phân tích, đối với Huế, du lịch thông minh cần gắn với trọng tâm là phát huy giá trị di sản đặc sắc của Quần thể di tích Cố đô Huế. Huế phải thu hút du khách bởi giá trị và vẻ đẹp bất tận, giàu chiều sâu văn hóa trong cảnh đẹp nên thơ, hữu tình của Huế. Đồng thời kết hợp để du khách say mê khi trải nghiệm tại điểm đến với những ứng dụng, công nghệ đổi mới, sáng tạo.

Một số đại biểu cho rằng, tiện ích của du lịch thông minh là cực kỳ lớn, song thách thức là sẽ làm giảm số lượng lao động, không hiệu quả khi nhiều ngành khác không phát triển mảng công nghệ tương ứng. Phát triển du lịch thông minh cần có lộ trình và đề án triển khai phù hợp.

Bài, ảnh: Đức Quang