Đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc bàn giao nhà cho người dân Quảng Điền
Mùa mưa bão mọi năm, khi nghe thông tin có mưa bão, bà Nguyễn Thị Thí, xã Điền Môn, huyện Phong Điền lại thấp thỏm không yên khi căn nhà cấp 4 xây dựng nhiều năm nay đã xập xệ. Sức già, thường xuyên đau ốm, nên với bà Thí, mơ ước có căn nhà kiên cố lúc cuối đời khó thực hiện.
Từ nguồn vốn chương trình hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở phòng chống lụt bão lồng ghép với dự án GCF, bà Thí được hỗ trợ gần 70 triệu đồng xây dựng nhà ở. Nhờ nguồn hỗ trợ thêm từ người thân, bà đầu tư xây dựng căn nhà vững chãi, có gác lửng để tránh lũ, bão.
“Tui già cả, chỉ sống một mình nên mong muốn lớn nhất là được ở trong ngôi nhà kiên cố, an toàn. Năm nay, có lụt, tui cũng an tâm ở tại nhà, không còn phải nhờ thanh niên trong xóm đưa đi tránh lũ như mọi năm”, bà Thí nói.
Ông Hồ Ngọc Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quảng Điền chia sẻ: Quyết định 48/2014/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lồng ghép với dự án GCF như một sự động viên, khích lệ ban đầu, giúp nhiều hộ quyết tâm hơn trong việc lo chỗ an cư. Hàng trăm ngôi nhà kiên cố, khang trang được người dân xây dựng từ chính sách hỗ trợ này.
Theo đề án phê duyệt, huyện Quảng Điền có 535 hộ nhận hỗ trợ. Qua 3 năm (2015-2017) triển khai thực hiện, toàn huyện đã có 334 hộ thi công hoàn thành đưa vào sử dụng. Bắt đầu từ năm 2018 khi lồng ghép với dự án GCF có thêm 130 hộ thi công và hoàn thành nhà ở.
Số liệu từ Ban quản lý (BQL) dự án hợp phần 1 đến đầu tháng 9, toàn tỉnh có 230/230 nhà đã khởi công đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch năm 2019. Trong đó, 216 nhà đã được giải ngân xong phần móng từ nguồn vốn GCF lần 1; 188 hộ đã làm xong nhà và đã được giải ngân từ nguồn vốn chính sách của Quyết định 48; 179 hộ làm xong nhà đã được giải ngân 100% nguồn vốn GCF lần 2. Ngoài ra, 175 hộ/222 có nhu cầu vay vốn ngân hàng chính sách cũng đã được vay vốn. Những hộ còn lại đang hoàn tất các thủ tục để được vay vốn trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phước Bửu Hùng thông tin, BQL dự án hợp phần tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt bằng nhiều giải pháp như: khảo sát, thẩm định đối tượng, nắm bắt những vấn đề vướng mắc, khó khăn ở cơ sở và của người dân; tổ chức họp triển khai ở các cấp. Tổ chức họp dân, vận động bà con đăng ký tham gia thực hiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn, từng lĩnh vực công việc, từng hộ dân để giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai của người dân, thực hiện dự án đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật và kế hoạch tiến độ theo phân bổ kế hoạch năm 2019.
Năm 2019, BQL dự án phối hợp với các địa phương rà soát kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh bổ sung 3 đợt về đối tượng thụ hưởng nhằm phục vụ triển khai tốt kế hoạch năm 2019 và các năm tiếp theo, không để các hộ xin rút khỏi dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung. Ngoài ra, BQL dự án còn vận động nhiều đơn vị doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng chương trình. Trong đó, năm 2019, Công ty hữu hạn Xi măng Luks đã cam kết hỗ trợ 60 tấn xi măng hỗ trợ thêm cho 30 hộ có hoàn cảnh khó khăn nhằm giảm bớt gánh nặng
“Từ ngày 5-7/9/2019, BQL dự án tỉnh phối hợp với Công ty hữu hạn Xi măng Luks trao tặng 60 tấn xi măng hỗ trợ cho 30 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mỗi hộ 2 tấn). Sắp tới, chúng tôi tiếp tục vận động một số doanh nghiệp tham gia hỗ trợ vật liệu giúp người dân giảm bớt áp lực xây dựng cho người dân hưởng lợi trước áp lực giá cả vật liệu tăng cao”, ông Hùng cho biết.
Tháng 4/2018, Thủ tướng Chỉnh phủ có văn bản cho phép tiếp tục gia hạn triển khai chương trình nhà ở phòng tránh lụt bão kéo dài thêm 4 năm (2018-2021) lồng ghép dự án GCF đối với Thừa Thiên Huế. Ngoài nguồn hỗ trợ từ GCF (1.700 USD/hộ), vốn vay ưu đãi (15 triệu đồng/hộ), tỉnh còn cam kết bố trí vốn đối ứng theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Chính phủ để thực hiện dự án trung bình 15 triệu đồng/nhà. |
Bài, ảnh: Hoàng Loan