Nghề massage giúp người mù có công việc và thu nhập ổn định

Tại cơ sở massage “Niềm tin”, thuộc Hội Người mù tỉnh, khách hàng ngâm chân trong những thùng nước ấm được pha cùng thảo dược, sự thoải mái hiện rõ nên nét mặt thư giãn. Mỗi lượt khách sử dụng dịch vụ massage khoảng 40 - 90 phút. Suốt thời gian này, nhân viên massage phải đứng, liên tục thao tác công việc nhưng thái độ luôn niềm nở.

Anh Nguyễn Thành Duy là người đã tham gia khóa học massage do hội mở lần đầu tiên và theo học nhiều khóa nâng cao về vận động xương khớp. Đến nay, anh là một nhân viên massage lành nghề với nhiều năm kinh nghiệm, thu nhập của anh từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, đồng thời còn giữ vai trò hỗ trợ những bạn học viên mới ra nghề. “Có nghề để mưu sinh là hạnh phúc lớn với tôi. Công việc còn giúp tôi được trò chuyện nhiều hơn, hiểu thêm về cuộc sống", anh chia sẻ.

Hiện nay, nghề xoa bóp tẩm quất của người khiếm thị phát triển khá tốt. Hội thường xuyên mở các lớp đào tạo massage và trang bị thêm kiến thức, nâng cao nghiệp vụ tay nghề cho hội viên mù đang làm trong ngành. Các học viên còn được theo học các lớp nâng cao kỹ năng sử dụng chữ Braile, tiếng Anh trong giao tiếp, phục hồi chức năng về giao tiếp ứng xử, phòng chống lạm dụng tình dục trong hành nghề xoa bóp, nâng cao kỹ năng nghề xoa bóp.

Dịch vụ massage của người khiếm thị có nhiều ưu điểm, như giá cả phải chăng, phục vụ lành mạnh, tận tâm, chu đáo. Khách hàng thường tìm đến để thư giãn, chống stress, phục hồi sức khỏe hay chữa bệnh. Sự cần mẫn, chu đáo của họ khiến khách hàng hài lòng. Người tìm đến cơ sở ngày càng đông, nhất là thời điểm giao mùa. Mức thu nhập của người khiếm thị cao hẳn, người tay nghề cao, chịu khó được khách hàng tín nhiệm có việc làm quanh năm, thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều học viên sau khi học “chín nghề” đã về quê nhà mở cơ sở massage. Trong hội, luôn nhắc đến tấm gương hai chị em Hồ Thị Khởi Nghĩa và Hồ Thị Thắng Lợi (thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang). Hai chị em mù bẩm sinh do di chứng chất độc màu da cam từ người cha là chiến sĩ cách mạng. “Thuở chưa vào hội, cuộc sống của chị em tôi khá khó khăn, hầu như không làm được gì để kiếm sống. Sau này, có cơ may được gia nhập hội, bắt đầu học chữ Braille, rồi học nghề chăn nuôi, làm chổi, làm tăm, làm hương. Sau cùng, hai chị em lựa chọn gắn bó với nghề massage”, chị Khởi Nghĩa tâm sự. Cơ sở massage của chị Nghĩa và chị Lợi mở từ năm 2017, đến nay đã hoạt động ổn định, đem lại thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng cho mỗi người.

Có nhiều người Huế lại đem nghề massage lập nghiệp ở xứ người. Khi đã thạo nghề, cộng thêm số tiền dành dụm sau bao năm làm massage tại Huế, vợ chồng anh Trần Thiều, chị Mai Thị Kim Anh (huyện Phú Lộc) quyết định vào Đà Nẵng để mở cơ sở riêng. Chẳng những gây dựng sự nghiệp cho bản thân, hai vợ chồng còn tạo việc làm cho nhiều người khiếm thị các tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng/người. Chị Kim Anh cho hay: “Vợ chồng tôi có duyên với nghề massage nên giữ được “lửa” nghề. Vào Đà Nẵng, gặp được những người cùng cảnh ngộ, chúng tôi cũng tạo cơ hội để họ cùng làm chung”.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho hay, đào tạo nghề là cách giúp người khiếm thị đi "xa" nhất, có cuộc sống ổn định. Bên cạnh việc đào tạo nghề massage từ trung tâm thì bản thân học viên cũng tự nghiên cứu, nâng cao tay nghề về phương pháp xoa bóp, bấm huyệt. Cơ sở, trang thiết bị máy móc được đầu tư khá tốt. Với vai trò quản lý Công ty TNHH MTV Niềm tin 17.4 có 3 cơ sở dịch vụ xoa bóp thu hút hơn hàng trăm lao động, hội đã tạo ra nguồn thu nhập khá ổn định cho các hội viên. Một số khác mở các tiệm massage từ nghề được đào tạo tại trung tâm, không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều người khác và là cơ hội để người khiếm thị hòa nhập với cộng đồng.

Bài, ảnh: Ly Phước