Cảnh đổ nát sau vụ động đất và sóng thần tại Palu, Trung Sulawesi, Indonesia ngày 2/10/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ước tính của LHQ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chịu thiệt hại kinh tế hàng năm khoảng 675 tỷ USD do ảnh hưởng của thiên tai, trong đó 60% thuộc về các thiệt hại nông nghiệp liên quan đến hạn hán, gây tác động nghiêm trọng đến người nghèo ở nông thôn.

Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ, thiên tai sẽ làm hỏng các nỗ lực giảm nghèo của khu vực. Số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực (dưới 1,9 USD/ngày) ở châu Á-Thái Bình Dương được dự đoán sẽ đạt 56 triệu vào năm 2030. Nếu các chính phủ không chuẩn bị thực hiện các bước để giảm thiểu tác động của thiên tai, con số này có thể lên tới 123 triệu người.

Ông Tiziana Bonapace, một quan chức cấp cao của ESCAP cho rằng, thảm họa thiên nhiên đang tàn phá các cộng đồng nghèo khó. Thực tế, người nghèo thường gánh chịu tổn thất nhiều hơn vì họ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thiên tai và ít có khả năng đối phó và phục hồi, nhất là khi họ có ít sự bảo trợ xã hội hoặc hỗ trợ sau thảm họa. Hơn nữa, các thảm họa thường có tác động vĩnh viễn đến giáo dục và sức khỏe, từ đó đẩy họ vào thế mắc kẹt trong nghèo khó.

Trong một tài liệu của LHQ, tổ chức này cho rằng, tăng cường đầu tư vào giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội là giải pháp có thể giúp bảo vệ những người dân dễ bị tổn thương, khi các kiểu thời tiết khắc nghiệt và không thể đoán trước sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các thảm họa tự nhiên.

ASEAN cần ưu tiên đầu tư vào những rủi ro được báo trước

Trong bối cảnh, chính quyền khu vực nên làm nhiều hơn để chuẩn bị cho các thảm họa thiên nhiên. Về lâu dài, điều đó có nghĩa là các quốc gia cần hỗ trợ các cộng đồng phục hồi nhanh chóng hơn sau thảm hoạ. Theo ESCAP, cách tốt nhất để đạt được điều này là kết hợp hành động khí hậu với các khoản ngân sách vì người nghèo.

ESCAP lập luận rằng, gia tăng các khoản đầu tư trong bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe và giáo dục là cách tốt nhất để vượt qua nguy cơ thảm họa thiên nhiên trong dài hạn. Theo đó, các khoản đầu tư này không chỉ đảm bảo cho người dân địa phương chống lại các tác động xấu nhất của thiên tai mà còn tạo ra một chuỗi phản hồi tích cực, nơi phát triển kinh tế-xã hội đóng vai trò là chất xúc tác để tăng khả năng phục hồi trong tương lai.

Đối với người nghèo ở nông thôn và thành thị, điều cần thiết là các chính phủ phải chủ động hơn trong việc đầu tư vào mạng lưới an toàn xã hội để giảm mức độ nghiêm trọng của gánh nặng kinh tế khi thảm họa xảy ra. Nếu khu vực này đầu tư 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào các chính sách bảo trợ xã hội như chuyển đổi thu nhập hoặc bảo hiểm mùa màng theo chỉ số thời tiết, các nhà nghiên cứu dự đoán rằng 66 triệu người sẽ ít bị ảnh hưởng bởi nghèo đói vào năm 2030.

Tương tự, đầu tư vào giáo dục cộng đồng và chăm sóc sức khỏe chất lượng có thể làm giảm các điểm yếu bằng cách mở rộng cơ hội và xây dựng khả năng phục hồi trước các tác động tiêu cực của thảm họa. Với dân số khỏe mạnh, được giáo dục tốt, những cú sốc kinh tế và xã hội do thiên tai sẽ giảm bớt.

Tăng cường hợp tác để giảm thiểu rủi ro của các thảm họa xuyên biên giới

Một khi thiên tai xảy ra, biên giới quốc gia không có ý nghĩa gì. Dù là lũ lụt, hạn hán hay mưa bão, thiên tai thường ảnh hưởng cùng lúc đến nhiều quốc gia. Do đó, các quốc gia thành viên ASEAN cần phải hợp tác để giảm thiểu tác động xấu nhất của các thảm hoạ tự nhiên.

Giảm hạn hán xuyên biên giới sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của khu vực hiện nay. Đầu năm nay, ASEAN và ESCAP đã công bố một nghiên cứu chung để Đông Nam Á có thể xây dựng khả năng phục hồi chống lại mối đe dọa này. Theo đó, khu vực cần thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm vững mạnh, có thể thông báo cho các nước láng giềng về những rủi ro gia tăng. Ngoài việc nhấn mạnh tầm quan trọng của tài chính chính phủ được định hướng cho tương lai, báo cáo của ASEAN và ESCAP cũng nhấn mạnh rằng, hợp tác về quản lý thủy lợi, chính sách thích ứng khí hậu và chia sẻ công nghệ cũng sẽ là những yếu tố rất quan trọng.

Mặc dù các chính phủ quốc gia có vai trò trung tâm trong việc giảm nguy cơ thảm họa thiên nhiên, nhưng chắc chắn sự hợp tác khu vực sẽ là chìa khóa để mở ra những nỗ lực đầy tiềm năng.

Với những thảm họa do khí hậu đang trên đà gia tăng trong những năm tới, trọng trách sẽ đặt trên vai các nhà lãnh đạo khu vực để làm tất cả những gì có thể nhằm giảm tác động tiêu cực của thiên tai. Nếu họ không hành động, ASEAN sẽ thấy lợi ích kinh tế và xã hội của khối giảm đi một cách không cần thiết khi phải đối mặt với thực tế biến đổi khí hậu.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ ASEANtoday & Nationalthailand)