Sàn chứng khoán New York (NYSE) trong phiên giao dịch ngày 18/9. Ảnh: REUTERS

Chứng khoán tràn sắc xanh 

Đầu phiên giao dịch tại thị trường châu Á ngày 19/9, chỉ số TOPIX của Nhật Bản đã tăng thêm 1,2%. Cùng lúc, đồng yen rớt giá so với USD còn 108,47 yen đổi 1 USD, mức yếu nhất tính từ đầu tháng 8. 

Chỉ số KOSPI (Hàn Quốc) và S&P/ASX 200 (Úc) lần lượt tăng 0,8% và 0,7%. Chỉ số Hang Seng (Hong Kong) cũng tăng thêm 0,1%, trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng 0,2%. 

Theo hãng tin Reuters, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, FOMC quyết định hạ lãi suất với 0,25 điểm phần trăm, từ biên độ 2-2,25% hiện nay xuống biên độ 1,75-2% vào lúc 1h sáng ngày 19-9 (giờ Việt Nam). 

Quyết định này nhằm tăng lực đẩy cho nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng quan điểm của các quan chức FED đang chia rẽ về các bước đi tiếp theo của lãi suất. Điều này là phần khiến thị trường thất vọng đến mức nhiều người tỏ ra bi quan về các động thái sắp tới từ FED, theo Financial Times. 

"Dựa vào việc FOMC có 2 phiếu bầu cho lựa chọn không thay đổi (lãi suất) và biểu đồ cho thấy dự báo chính sách không thay đổi, có thể thấy sẽ mất một thời gian để thuyết phục thị trường chấp nhận hướng tăng lãi suất này", ông Tai Hui, trưởng chiến lược gia mảng thị trường châu Á của JPMorgan Asset Management, nhận định. 

Theo Reuters, sự bất an của giới đầu tư đã khiến nhiều cổ phiếu Mỹ bị bán tháo ngay sau khi FED công bố thông tin trên. Tuy nhiên, thị trường tại đây đã hồi phục sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell trả lời tại họp báo, cho biết cơ quan này sẵn sàng "mạnh tay" hơn nếu cần thiết.

Đồng USD mạnh lên 

Sau quyết định hạ lãi suất cơ bản của FED, đồng USD đã lên giá so với đồng euro, yen, franc Thụy Sĩ và nhiều đồng tiền mạnh khác.

Đợt cắt giảm mới nhất đã khiến chỉ số của USD mạnh lên 0,3%. Đồng USD vẫn duy trì mức tăng này trong những giờ giao dịch đầu tiên tại thị trường châu Á. Trái phiếu chính phủ Mỹ có kì hạn 10 năm tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, lên 1,814%.

Trong khi đó, tinh thần tự tin hơn của nhà đầu tư đã khiến giá vàng giảm 0,3% còn 1.490,10 USD/ounce. 

Theo Financial Times, các hợp đồng tương lai của S&P 500 có xu hướng không thay đổi cho đến khi Phố Wall mở cửa vào đầu ngày 19/9, theo giờ Mỹ. 

FED để ngỏ khả năng giảm lãi suất tiếp 

Theo Reuters, FED cũng để ngỏ khả năng có thêm ít nhất một đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất nữa từ nay đến cuối năm 2019.

Quyết định của FED được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi FED hạ lãi suất, thậm chí về mức 0%, lần gần nhất là ngày 11/9.

Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp của FOMC, Chủ tịch FED Jerome Powell xác nhận cơ quan này lo ngại các yếu tố bất ổn của tình hình kinh tế thế giới. 

FED nhận định dưới tác động của thương chiến với Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu của Mỹ đã giảm trong những tháng qua và đầu tư doanh nghiệp tại Mỹ đã suy yếu kể từ sau cuộc họp tháng 7 của FOMC. 

Việc cắt giảm lãi suất sẽ bảo vệ cho kinh tế Mỹ trước các nguy cơ đang diễn ra trong đó có sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu và những căng thẳng mới liên quan đến chiến tranh thương mại.

Đây là lần thứ hai FED hạ lãi suất đồng USD trong năm nay. Lần trước, FED  cũng giảm lãi suất 0,25% vào ngày 31/7/2019.

Tuy nhiên, ông Powell nhấn mạnh thị trường lao động ở Mỹ vẫn mạnh, tỷ lệ thất nghiệp sẽ là 3,7% vào năm 2020. Lạm phát năm 2019 nhiều khả năng ở mức 1,5%, dưới dự báo 2% trước đó. Trong năm 2020, lạm phát có thể tăng lên 1,9%. FED không điều chỉnh dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ, cụ thể, GDP sẽ đạt khoảng 2,2% năm nay và 2% năm 2020.

Đang đi công tác ở California, Tổng thống Mỹ Donald Trump khen quyết định của FED là "tốt" nhưng chê Cục Dự trữ liên bang có thể hành động sớm hơn.

Theo Tuoitre