Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2019

Xu hướng đang được lựa chọn

Những mùa tuyển sinh gần đây, đầu vào của không ít trường khá thấp, ngang sàn, thậm chí dưới 15 điểm. Theo nhiều chuyên gia, đó là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng chất lượng đào tạo và cũng là lý do gián tiếp khiến sinh viên (SV) bỏ học vì không theo nổi chương trình.

Ông Hồ Phan Minh Đức, Phó Giám đốc điều hành (EVP) kiêm Giám đốc đào tạo trọn đời Tập đoàn Corèle International (Scavi + Corele V) cho rằng, năng lực đầu vào của SV khá quan trọng đối với quá trình học tập, nghiên cứu và sự thành công của các em ở bậc ĐH. Đầu vào tốt không chỉ thể hiện qua điểm số ở bậc học phổ thông hay điểm thi mà quan trọng hơn là thể hiện ở khả năng sáng tạo, tư duy logic, sẵn sàng thay đổi và chấp nhận thử thách của các em. Hiện nay, quy trình tuyển sinh phần lớn các trường ĐH thiếu khả năng lựa chọn các em có những phẩm chất trên mà chỉ lựa chọn SV dựa trên điểm số nên cần được thay đổi.

Trên thực tế, ngoài cách tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia và xét tuyển học bạ, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều trường ĐH tại Việt Nam bắt đầu áp dụng tuyển sinh bằng cách thi ĐGNL đầu vào. Năm 2019, hàng loạt trường ĐH, cao đẳng triển khai cách tuyển sinh này. Chỉ riêng tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài 5 trường ĐH tổ chức thi (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH FPT và ĐH Quốc tế) thì có hơn 20 trường khác cũng sử dụng kết quả ĐGNL từ ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để xét tuyển, tăng gấp nhiều lần so với năm trước.

Bên cạnh cơ sở đào tạo, thí sinh cũng khá thích cách kiểm tra năng lực này. Minh chứng là trong kỳ thi ĐGNL đợt 1 – năm 2019 do ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức, có khoảng 20.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gấp 5 lần tổng số thí sinh dự thi năm trước.

Trong một chia sẻ với báo chí, PGS.TS. Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh tiết lộ, qua thống kê, những thí sinh nào có điểm đầu vào của kỳ ĐGNL cao thì khả năng theo học luật của các em tốt hơn hẳn. Do đó, nhà trường duy trì kỳ thi này để tuyển sinh, nếu chỉ dựa vào kỳ thi THPT thì có những em điểm rất cao nhưng để theo học được các chuyên ngành ở ĐH là vấn đề khác, đòi hỏi cần nhiều yếu tố hơn.

Thí sinh trước kỳ thi THPT Quốc gia 2019

Nên nghiên cứu cho các ngành mũi nhọn

Theo đại diện lãnh đạo một số trường ĐH tại Huế, tuyển sinh bằng cách thi ĐGNL là một mô hình hay, tạo ra cơ hội để sàng lọc thí sinh, phù hợp với yêu cầu đào tạo của từng đơn vị song có thể khó áp dụng tại Huế. TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo, Thường trực Ban tư vấn và quảng bá tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho rằng, cái khó là nguồn tuyển tại Huế không thực sự dồi dào, muốn áp dụng phương pháp này cần có nguồn ứng viên lớn, đa dạng mới có thể sàng lọc.

PGS.TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế đánh giá, đối với các trường tuyển sinh chưa thực sự tốt thời gian qua, đó có thể là con dao hai lưỡi, bởi nếu tổ chức ra không thu hút được người thi và người ứng tuyển lại chồng chất nỗi lo tuyển sinh.

Áp dụng mô hình mới, khó khăn là điều chắc chắn, nhưng theo một số chuyên gia trong nước, khi đầu vào có dấu hiệu báo động, cần có những cách “siết” đầu vào để đảm bảo chất lượng hơn và đó cũng là cách mà nhà tuyển dụng mong muốn, vì vậy nên tìm giải pháp.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Đức thừa nhận, mô hình tuyển sinh bằng ĐGNL ngoài điểm lợi đánh giá sát đầu vào của thí sinh, cũng có thể đánh giá mức độ quan tâm ngành học của thí sinh và khả năng nguồn tuyển của đơn vị. Tuy khó áp dụng đại trà cho tất cả các ngành nhưng những ngành “hot” có khả năng thu hút thí sinh có thể thử nghiệm được.

Hiện, tại các trường cũng đang xây dựng các ngành mũi nhọn, được xem là những ngành có khả năng thu hút đầu vào, nhất là ở những đơn vị tuyển sinh tốt vì thế có thể áp dụng thi ĐGNL. Điều này sẽ giúp nâng tiếng tăm của các ngành, qua đó tạo ra thương hiệu của đơn vị đào tạo.

Một trong những cách làm hiện nay của các trường là đa dạng cách tuyển sinh, trong đó phân chỉ tiêu cho mỗi hình thức xét tuyển như dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia, xét tuyển học bạ hay dựa vào thi ĐGNL. Kể cả các ĐH Quốc gia cũng dành một phần chỉ tiêu cho hình thức tuyển sinh mới, vì thế các trường ĐH tại Huế có thể nghiên cứu, tính toán giải pháp tương tự để nâng cao chất lượng đầu vào.

Bài, ảnh: Hữu Phúc