Oxford cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với phần còn lại của Đông Nam Á trong năm 2019. Ảnh minh hoạ: VOV

Theo báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất của Oxford – là một đánh giá hàng quý về các nền kinh tế khu vực, tập trung vào Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, sự chậm lại này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, với việc áp đặt các vòng thuế quan và hạn chế thương mại mới.

Trong nửa đầu năm 2019, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn khu vực đã chậm lại còn 4%, so với 4,5% trong nửa cuối năm 2018. Điều này là do các hiệu ứng lan tỏa từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhu cầu nội địa Trung Quốc chậm lại và sự suy giảm trong chu kỳ điện tử toàn cầu, báo cáo cho biết.

Ngoài ra, đà xuất khẩu chậm lại cũng ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại, như Singapore, Thái Lan và Philippines. Trong khi đó, Malaysia và Việt Nam lại vượt trội so với khu vực, với sự giảm tốc trong xuất khẩu khiêm tốn hơn và nhu cầu nội địa kiên cường.

Theo Oxford, các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ giảm lãi suất để thúc đẩy nhu cầu trong nước, chống lại bối cảnh bên ngoài đầy thách thức khi Mỹ hạ lãi suất thấp hơn và áp lực lạm phát giảm. Dự đoán, ngân hàng trung ương của Indonesia và Philippines sẽ giảm lãi suất thêm lần nữa trong quý IV/2019, sau khi đã giảm lãi suất 0,5% trong năm nay. Tương tự, Thái Lan và Malaysia dự kiến ​​sẽ hạ lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản (0,25%) vào đầu năm 2020.

Đáng chú ý, báo cáo của Oxford cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục vượt trội so với phần còn lại của Đông Nam Á nhờ hiệu ứng chuyển hướng thương mại tích cực, mặc dù tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,7% trong năm nay, nhưng sẽ giảm xuống còn 6,3% trong năm 2020.

Trong quý II/2019, Việt Nam ghi nhận mức tăng GDP 5,7%, thấp hơn so với mức 6,8% của ba tháng đầu năm. Quốc gia này có thể vượt trội so với các nền kinh tế khác trong khu vực vì xuất khẩu sang Mỹ trong nửa đầu năm 2019 tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp bù đắp cho các sụt giảm thương mại với Trung Quốc và các thị trường khu vực khác.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Business Times)