Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Hải Dương giảm khoảng 600 cán bộ, công chức cấp xã
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương Phạm Mạnh Hùng, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh là 12 đơn vị (10 huyện và 2 thành phố). Trong giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh Hải Dương không có đơn vị hành chính cấp huyện phải sắp xếp, do không có đơn vị nào đạt dưới 50% cả 2 tiêu chuẩn.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh là 264 đơn vị (220 xã; 31 phường và13 thị trấn). Trong đó, số đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 16 đơn vị (16 phường); số chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn là 26 xã, 1 thị trấn. Trong số này, xã Kênh Giang thị xã Chí Linh (nay là thành phố Chí Linh) đã thực hiện sắp xếp.
Theo Đề án, tỉnh Hải Dương sẽ thực hiện sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã tại 11 huyện, thành phố, gồm: 27 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp; 22 đơn vị có liên quan liền kề; 6 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp. Có 15 đơn vị thực hiện nhập 3 đơn vị thành 1 đơn vị hành chính mới, 40 đơn vị thực hiện nhập 2 đơn vị thành 1 đơn vị hành chính mới, giảm 30 xã.
Sau khi sắp sếp đơn vị hành chính cấp xã, các đơn vị hành chính trực thuộc của các huyện, thành phố đều đảm bảo theo quy định. Đối với các huyện, thành phố không đảm bảo 100% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định, UBND tỉnh sẽ xem xét, sắp xếp vào giai đoạn 2022- 2030.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương cho biết, ngay khi có chủ trương của Trung ương, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo quyết liệt, chủ động sáp nhập xã Kênh Giang và Văn Đức (thành phố Chí Linh); có 6 xã chủ động đề xuất sáp nhập.
Trung bình mỗi xã giảm từ 21 đến 23 cán bộ, công chức, như vậy sẽ giảm khoảng 600 cán bộ, công chức; giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong tỉnh.
Thừa Thiên - Huế giảm 7 xã sau khi sắp xếp
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế Bạch Chơn Đông cho biết, toàn tỉnh có 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố, trong đó, số đơn vị hành chính đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 3 đơn vị; chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên là 2 đơn vị; chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy mô dân số là 1 đơn vị.
Có 152 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, số chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên là 44, chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy mô dân số là 29 xã; số có cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% thuộc diện phải sắp xếp là 7 xã, thuộc 5 huyện, thị xã. Sau khi thực hiện sắp xếp, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giảm được 7/152 đơn vị, còn 145 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo ông Bạch Chơn Đông, một số trường hợp sau khi sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định do có yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị, an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định cho hay, trong thời gian xây dựng Đề án, tỉnh tạm dừng việc bầu, phê chuẩn các chức danh cán bộ quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
Lâm Đồng có lộ trình giải quyết hợp lý số cán bộ, công chức dôi dư
Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, tỉnh có 10 huyện và 2 thành phố; không đơn vị nào có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã là 147 đơn vị, trong đó, có 6 đơn vị có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% và 1 đơn vị có tiêu chuẩn về quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định (thuộc diện khuyến khích).
Về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện sắp xếp 10 đơn vị của 3 huyện (9 xã và 1 thị trấn). Sau khi sắp xếp, tỉnh Lâm Đồng còn 142 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 5 xã.
Về phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Hòa cho biết, hiện nay, tổng số cán bộ, công chức tại 10 đơn vị hành chính cấp xã đang bố trí 193 cán bộ, công chức và 119 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã, tỉnh sẽ bố trí số lượng cán bộ cấp xã, số người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó theo quy định (55 người, dôi dư 47 người) để đảm nhiệm các chức vụ như: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và cấp trưởng các tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với công chức cấp xã, thực hiện nhập nguyên trạng 91 công chức hiện nay của các xã, thị trấn thuộc phạm vi sắp xếp và có lộ trình giải quyết hợp lý số dôi dư trong giai đoạn 2020 – 2025 (bố trí 45, dôi dư 46 người).
Cùng với đó, bố trí số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp trường học, trạm y tế trên địa bàn trên cơ sở giữ nguyên trạng số lượng hiện nay của các đơn vị. Số lượng người hoạt động không chuyên trách bố trí đúng theo quy định (mỗi đơn vị tối đa không quá 12 người, dôi dư 61 người).
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đánh giá cao tinh thần chủ động của các địa phương trong việc xây dựng phương án, Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021; nội dung hồ sơ, Đề án theo đúng trình tự, thủ tục.
Tỉnh Hải Dương đã có các phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức dôi dư phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Với tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị tỉnh cần dành một số lượng biên chế nhất định để sắp xếp, tuyển dụng đối với cán bộ dôi dư; giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức đúng quy định; có phương án sử dụng công sản đối với các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp…
Cùng với đó, xây dựng phương án cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp trưởng khi sắp xếp các đơn vị hành chính; đối với cấp phó cũng cần có phương án sắp xếp và có lộ trình để đảm bảo đúng quy định về cấp phó tại các cơ quan, đơn vị.
Với tỉnh Lâm Đồng, Thứ trưởng đề nghị xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện việc sắp xếp đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố dôi dư.
Giao Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) phối hợp với Sở Nội vụ các địa phương và các đơn vị có liên quan tiếp thu, hoàn thiện Đề án theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đề nghị, đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp nếu chưa đạt các tiêu chí cần phải có giải trình cụ thể.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn các xã, phường, nếu thực hiện sắp xếp, cần bảo đảm đầy đủ nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất để bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân và đủ giáo viên đứng lớp. Đối với việc giải quyết thủ tục của nhân dân, cần xây dựng phương án để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc giao dịch với các cơ quan nhà nước.
Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2019-2021.
Thẩm định Đề án thành lập thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng thống nhất với đề xuất thành lập thị trấn Lộc Hà trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thạch Bằng là phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không làm tăng đơn vị hành chính các cấp của tỉnh Hà Tĩnh.
Qua rà soát hồ sơ đề án và đối chiếu với các quy định của pháp luật, Vụ Chính quyền địa phương cho rằng, trình tự, thủ tục, hồ sơ đề án thành lập thị trấn Lộc Hà đảm bảo theo quy định. Các số liệu thể hiện trong đề án đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để thành lập thị trấn.
Các thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo UBND huyện Lộc Hà và các sở, ngành có liên quan sớm xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng thị trấn Lộc Hà để có căn cứ và động lực cho sự phát triển trong thời gian tới.
Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà cần ưu tiên các nguồn lực để tập trung đầu tư kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thị trấn; quan tâm bố trí, sắp xếp lực lượng công an thị trấn là công an chính quy; đối với những cán bộ, công chức dôi dư hoặc chuyển công tác cần đảm bảo thực hiện chính sách đúng quy định.
Theo TTXVN