Một ngày tháng 8/2018, cô bé 15 tuổi Greta Thunberg đơn độc mang theo một tấm biển viết tay với dòng chữ “bãi khoá vì khí hậu” đến trước cửa Nghị viện Thuỵ Điển, kêu gọi các học sinh nước này bãi khoá vào ngày thứ Sáu trong tuần để phản đối thái độ thờ ơ, thụ động của chính phủ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Điều mà cô bé không thể ngờ đến, là một ngày thứ Sáu chỉ hơn một năm sau đó, ngày 20/9 vừa qua, hàng triệu thanh thiếu niên tại hơn 150 quốc gia trên toàn thế giới, đã đồng loạt xuống đường trong “Ngày thứ Sáu cho Tương lai”. Đây là một cảnh báo nghiêm khắc cho các chính phủ cầm quyền về việc phải nhanh chóng bảo vệ trái đất chống lại biến đổi khí hậu và huỷ diệt sinh thái.

Khoảng 30.000 người diễu hành ở Sydney hôm 15/3 kêu gọi chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP

Cùng xuống đường đồng loạt từ New York qua Paris, từ Sydney đến Rio de Janeiro…trong “Ngày thứ Sáu cho Tương lai”, đồng thanh cất lên tiếng nói yêu cầu các chính phủ cầm quyền hành động quyết liệt để chống lại sự biến đổi khí hậu và làn sóng huỷ diệt sinh thái đang diễn ra trên khắp hành tinh; rõ ràng những người trẻ không còn đứng bên lề. 

Cô bé Greta Thunberg của Thuỵ Điển trong những tháng qua đã đến phát biểu trên diễn đàn Nghị viện của nhiều quốc gia và sẽ đăng đàn trong tuần tới tại Thượng đỉnh Khí hậu của Liên hiệp quốc tại New York. Ở nhiều nước khác, cũng có những Thunberg tương tự, như ở Thái Lan là cô bé Lilly Satidtanasarn thậm chí còn nhỏ tuổi hơn, mới 12 tuổi.

Sẽ có những người đặt ra câu hỏi, liệu những công dân trẻ, thậm chí rất trẻ này, có ý thức được hết các hành động của họ hay không, và họ xuống đường vì ý thức thực sự về tương lai hay đơn thuần chỉ là bị cuốn theo các lời kêu gọi trên các mạng xã hội và lao vào cuộc vui của tuổi trẻ, vốn đôi khi chỉ đơn giản là được nghỉ học?

Nếu như trong quá khứ, hoài nghi này là chính đáng thì hiện nay, cần phải nhìn nhận rằng, tương lai của trái đất, với tư cách là ngôi nhà chung của nhân loại và các loài sinh vật, đang bị đe doạ nghiêm trọng và việc các công dân trẻ toàn cầu lên tiếng về mối đe doạ đó là một thực tế khách quan cần được đón nhận một cách nghiêm túc. 

Trong những năm qua, sự biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một cực đoan hơn trong mọi hình thái thời tiết, ở mọi khu vực trên thế giới. Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đang bị đe doạ mất không gian sinh tồn, hàng triệu sinh vật đứng trước làn sóng tuyệt chủng. 

Các nghiên cứu khoa học công phu đã chỉ rõ rằng, loài người hiện nay đang tiêu thụ quá mức các nguồn lực tự nhiên, khiến tự nhiên không thể phục hồi kịp trước tốc độ huỷ hoại. Trung bình, những gì tự nhiên sản xuất cho chúng ta trong vòng 12 tháng thì nay loài người “tiêu dùng” hết chỉ trong vòng 6 tháng. 

Nhân loại đang lạm chi vào phần vốn của tương lai và với nhịp độ vô minh như hiện nay, đến cuối thế kỷ này, trái đất sẽ là ngôi nhà của trên 11 tỷ người, với khí hậu tăng thêm trung bình 4-5 độ C, hàng triệu km2 bị chìm dưới mực nước biển, hệ sinh thái hoang dã gần như không tồn tại và loài người bị biến thành con tin của những vật liệu nhân tạo phải mất hàng nghìn năm mới có thể tiêu huỷ.

Đó sẽ là một tương lai u ám mà nếu không hành động quyết liệt ngay từ bây giờ, nhân loại sẽ phải trả giá rất đắt. Điều may mắn là những công dân trẻ toàn cầu đã dấn bước tiên phong. Họ đấu tranh cho tương lai của mình, cho tương lai của trái đất và cho hiện tại của tất cả chúng ta. 

Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Âu, cuộc vận động này của giới trẻ đang tạo nên các biến đổi lớn trong các phong trào chính trị. Những đảng Xanh lấy bảo vệ môi trường làm phương châm hoạt động đang dần rũ bỏ tấm áo khoác mơ mộng để trở thành lựa chọn chính trị hàng đầu của giới trẻ. 

Trong một thời gian rất dài, các xu hướng chính trị luôn lấy con người làm trung tâm phụng sự nhưng giờ đã đến lúc ngôi nhà chung của con người – Trái đất – cũng phải nhận được sự quan tâm xứng đáng. Suy cho cùng, không một ai có thể sống yên ổn một khi ngôi nhà đó bị huỷ hoại.

Theo VOV