Nền tảng mạng xã hội sẽ rất thuận lợi để báo chí chuyển tải thông tin đến bạn đọc (ảnh minh họa). Ảnh: LT

Những tác động qua lại mạnh mẽ

Kể từ khi mạng xã hội ra đời và phát triển bùng nổ trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây tại Việt Nam, điển hình là Facebook, YouTube, Twitter…, báo chí đã chịu những tác động mạnh mẽ, từ việc thua thiệt trong thông tin ban đầu, sự chậm trễ trong đưa tin, thậm chí bị mạng xã hội “dắt mũi” đưa tin sai lệch, không kiểm chứng đến bị chia sẻ thị phần quảng cáo một cách đáng báo động…

Báo chí đã bị mạng xã hội cạnh tranh gay gắt, ngay cả báo mạng điện tử hoạt động trên cùng môi trường, nền tảng Internet. Điều đó cũng không có gì phải tranh biện. Nhưng rõ ràng, báo chí và mạng xã hội có quan hệ hết sức gắn bó, mật thiết, khăng khít. Khi mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều tính năng mới, thậm chí vượt trội so với báo chí, kể cả truyền hình, thì việc chú trọng đến những thách thức mà mạng xã hội đưa đến để tìm cách khắc phục, sống chung là điều phải được tính đến một cách kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, cũng không thể không tận dụng tối đa những lợi thế mà mạng xã hội đem lại.

Đó là việc tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, thẩm định, lựa chọn để triển khai đề tài một cách bài bản, sâu sắc, phù hợp; là việc khai thác nội dung, tư liệu một cách phù hợp, được kiểm chứng trên mạng xã hội; là việc mượn mạng xã hội để quảng bá, lan truyền báo chí, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận hơn đối với từng tác phẩm báo chí, cũng như cơ quan báo chí, thông qua việc lập những trang quảng bá trên môi trường mạng xã hội; là việc thông tin nhanh nhạy, rộng khắp, đa chiều, khách quan, thiết thực tới công chúng báo chí; là việc thăm dò, nắm bắt dư luận xã hội quan tâm đến vấn đề, lĩnh vực thông tin nào để có thể phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất, vì mục tiêu phát triển chung; là việc góp phần lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ đối với những sự việc, vấn đề nào đó nhiều người quan tâm, nhằm tác động rõ rệt đến cơ quan chức năng, qua đó giải quyết triệt để, tận gốc, hiệu quả những bất hợp lý, những khuất tất, mặt trái… mà báo chí phản ánh trung thực, khách quan, chân xác, mang tính xây dựng đầy tích cực… Và điều không kém phần quan trọng, thông qua mạng xã hội, báo chí góp phần tích cực, trách nhiệm, hiệu quả trong việc giúp cộng đồng mạng, cũng như xã hội nhận thức đúng bản chất vấn đề, sự việc với những sự phân tích, lý giải khoa học, chân xác, thuyết phục, góp phần giúp điều chỉnh nhận thức, hành vi, định hướng dư luận xã hội hiểu đủ, hiểu đúng vấn đề một cách kịp thời, qua đó hành động đúng, nhất là với những vấn đề nhiều người quan tâm…

Và điều quan trọng khác, trước sự tác động qua lại giữa báo chí và mạng xã hội, với những bất lợi cũng như ưu việt, cùng sự cạnh tranh gay gắt trong cả sản xuất nội dung lẫn tạo nguồn kinh tế, báo chí cần có những sự chuyển động tích cực hơn nữa, để sống chung với mạng xã hội một cách tích cực, hiệu quả.

Để việc sống chung cùng có lợi

Mạng xã hội ra đời, phát triển bùng nổ rõ ràng đem đến nhiều thách thức, cũng như cơ hội đối với báo chí, buộc báo chí phải có những sự thay đổi phù hợp, cả về nội dung thông tin, cũng như hình thức thông tin, mới có thể khắc phục những hạn chế, yếu kém và tận dụng cơ hội, lợi thế để tạo ra những sức mạnh mới của mình trong quá trình sống chung với “thế lực” đáng gờm này.

Có nhiều kế hoạch, biện pháp để sống chung với mạng xã hội, tuy nhiên, theo cá nhân tôi, có một số vấn đề mà chúng ta cần quan tâm.

Thứ nhất, đó là việc hợp tác với mạng xã hội trong việc phát hiện, tìm kiếm, lựa chọn, lan tỏa thông tin một cách có thẩm định, chuẩn xác, khách quan, vì mục đích xây dựng một cách kịp thời, sâu rộng trên các tính năng ưu việt xuất hiện ngày càng nhiều, phổ biến…

Thứ hai, là việc báo chí tập trung coi trọng nội dung, hình thức thông tin và có nhiều giải pháp khác nhau để đem đến bạn đọc, công chúng những thông tin cần thiết, nhiều người quan tâm, có hàm lượng tri thức cao, phù hợp với đông đảo bạn đọc, có chức năng giáo dục, thẩm mĩ, định hướng chuẩn mực, phù hợp…

Thứ ba, là việc báo chí tích cực, thường xuyên lắng nghe những dư luận trên mạng, phân tích, thẩm định, sàng lọcthông tin để từ đó có những kế hoạch, chiến lược, giải pháp cho việc tổ chức thông tin một cách khoa học, đa chiều, mang tính lý lẽ, luận giải để phản biện, chống lại cái sai, cái lệch lạc và chứng minh, ủng hộ sự thật khách quan, đúng đắn…

Thứ tư, báo chí cần là lực lượng chính yếu trong việc chống lại các thế lực thù địch, những phần tử chống phá các quan điểm, chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, bền vững của Đảng và Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, mặt trận khác nhau… một cách kịp thời, cương quyết, thuyết phục…

Thứ năm, báo chí cần đổi mới nội dung, hình thức thông tin liên tục, phù hợp, bảo đảm nội dung thông tin đa dạng, phong phú, sâu sắc, khách quan, nhiều chiều với việc tăng cường các thông tin phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, mặt trái khuất tất trong xã hội…

Thứ sáu, báo chí cần cân bằng dung lượng thông tin về các mặt tích cực và tiêu cực, về cái đẹp và cái xấu…, thông tin có trách nhiệm, mang tính nhân văn trên tất cả các lĩnh vực khác nhau để giúp bức tranh về tình hình đất nước luôn đúng mực, khách quan, chính xác hơn, tạo niềm tin cần thiết, có lợi cho sự phát triển chung của quốc gia, dân tộc…

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ sẽ còn những bước phát triển thần kỳ, khó lường. Báo chí và mạng xã hội sẽ còn những đổi thay không dễ dự báo. Nhưng chắc chắn, trong hệ sinh thái truyền thông hiện đại, sự tương tác giữa các loại hình, phương tiện truyền thông là không thể tránh khỏi. Khắc phục hạn chế, tận dụng lợi thế, báo chí luôn cần phải thấy rõ giá trị cốt lõi, chính thống, đáng tin cậy của mình để sống chung với mạng xã hội, thực sự là nhân tố chính thể hiện rõ vai trò “người chép sử thời đại”, tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội giúp đất nước ổn định, phát triển bền vững.

Nguyễn Tri Thức