OECD tuyên bố dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ đạt mức 2,9% trong năm 2019. Ảnh minh họa: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam

Theo đó, ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm dần, cộng thêm những thay đổi về cấu trúc đã và đang đẩy phần lớn các thị trường ASEAN vào thế nguy hiểm hơn.

Một nửa trong tổng số các nền kinh tế của khu vực hiện đang rơi vào tình cảnh thâm hụt tài khoản vãng lai do xuất khẩu giảm. Trong khi đó, chỉ duy nhất Việt Nam và Philippines là hai quốc gia không chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại trong năm 2018.

Trước nguy cơ nghiêm trọng này, giới chuyên gia nhận định ngành hàng hóa có thể sẽ không chịu nổi cú sốc, nhất là khi giá thành và doanh số bán ra đều giảm, nợ hộ gia đình và doanh nghiệp lại vượt quá mức đỉnh của năm 2008 và 2009.

“Trên thực tế, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực không đủ sức che chở toàn bộ ASEAN ra khỏi các tác động của thế giới, tức các nền kinh tế còn lại chìm vào suy thoái, hay thậm chí là đại suy thoái”, tờ Straitstimes News trích dẫn nội dung bản báo cáo của công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company cho hay.

Dựa vào một số yếu tố chính như: Thứ nhất, ASEAN chủ yếu dựa vào việc xuất khẩu sang các nước khác, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, thứ hai, phần lớn tăng trưởng hiện tại của khu vực được tạo nên nhờ vào dòng vốn từ bên ngoài..., ASEAN hoàn toàn có thể cảm nhận được tác động nếu đợt suy thoái tiếp theo xảy ra. Riêng mối quan hệ kinh tế giữa khu vực với Trung Quốc, với một cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đang diễn ra có thể làm chậm đà tăng trưởng của Trung Quốc, điều này cùng lúc sẽ gây vấn đề cho khu vực, tuy chỉ trong thời gian ngắn hạn.

Nhìn chung, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của sự suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra tại những nền kinh tế lớn, ảnh hưởng lên mức độ nghiêm trọng của suy thoái ở khu vực Đông Nam Á sẽ khác nhau.

Tuy nhiên, vẫn có thể lạc quan khi Thomas Oslen, một trong những đồng tác giả viết báo cáo nhận định thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn trong khu vực vẫn có thể hỗ trợ Đông Nam Á nhiều hơn so với trước đây.

Trong một dữ kiện có liên quan, giữa lúc các chính sách bảo hộ đang gia tăng sự mất mát trong niềm tin và đầu tư, đồng thời rủi ro cũng tăng mạnh trong nhiều thị trường tài chính, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cắt giảm gần như là tất cả các dự đoán đã đưa ra trong 4 tháng trước đó. Mới đây, OECD tuyên bố dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ đạt mức 2,9% trong năm 2019.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Straitstimes News và Bain & Co.)