Một góc vùng cao ở A Lưới

Thế nên, cứ mỗi lần lên A Lưới, việc phải mua cho bằng được những sản vật vùng cao, như: chuối, mít, măng rừng, rau rớn hay gạo nếp than… được bày bán rải rác bên đường để mang về nhà làm “chiến lợi phẩm” như là việc cần thứ hai sau nội dung chính của chuyến đi không chỉ với riêng tôi mà ở hầu hết những người cùng đi.

“Năm chục ngàn buồng chuối nớ. Mẹ vừa gùi từ rẫy ra đó, mua giúp mẹ đi”; rồi thì, từ bốn đến năm mươi ngàn đồng một quả mít to ngon, vài ba ngàn đồng một mớ rau rừng; đi một đoạn nữa lại thấy cả gia đình loay hoay bên sạp bán thịt heo bản tự mổ… Các sản vật vùng cao không chỉ rẻ, ngon mà còn khác lạ so với thành phố là một trong những điều góp phần làm hấp dẫn cho chuyến đi.

Cuốn hút chúng tôi nhất vẫn là hình ảnh những mẹ, những chị nước da đen sạm vì nắng gió, mặc đồ thổ cẩm, mang hàng hóa từ gùi ra bày bán… Đó cũng là điều để chẳng mấy ai hoài nghi về sản phẩm vùng cao không sạch vì luôn tin rằng đồng bào vẫn giữ thói quen trồng cây hay chăn nuôi không sử dụng thuốc hóa học hay phụ gia…

“Mua cho mẹ đi, ở đây ai cũng bán nếp than 10 ngàn 1 lon, đừng trả mà tội nghiệp mẹ”!

“Không, 9 ngàn bán thì con mới mua”.

“Thôi, bán luôn, để con đem về xuôi ăn thấy ngon, lần sau quay trở lại, nhớ ghé mua sản vật vùng cao. Mẹ đong 10 lon nhé!”

Ngã giá là vậy, nhưng khi trả tiền, anh bạn cùng đi với chúng tôi vẫn đưa cho người bán hàng đủ 100 nghìn đồng rồi cười nói: “Thôi, không cần trả tiền thừa đâu. Con biếu mẹ luôn!”

Chưa đến 20 phút, mà phía sau cốp của chiếc xe con 5 chỗ ngồi đã đầy hàng hóa. Mỗi sản vật sau khi vừa mặc cả bán mua lại kèm theo một tràn cười vui vẻ của cả người bán lẫn người mua, những người xung quanh cũng góp những nụ cười thiện cảm dù chẳng liên quan đến cuộc bán mua.

Và rồi, lần nào trở về, chúng tôi cũng mong muốn những sản vật của miền sơn cước ấy không khó tìm ở thành phố để người mua mua được sản phẩm tốt; để hàng bán ra xứng đáng với công đồng bào chăm nuôi. Nếu được thế, đời sống người vùng cao sẽ thêm cơ hội để đổi thay, biết nắm chắc những lợi thế trong tay để biến thành sản phẩm đặc trưng trên vùng đất tưởng chừng khô cằn.

Bài, ảnh: ĐĂNG VIỆT