Một tiết học ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Ảnh minh họa)

Nhưng nếu đối chiếu với các ngành khác và soát xét tính đặc thù thì lại ra vấn đề.

Tính đặc thù của ngành giáo dục chính là ở chỗ, đây là ngành đông cán bộ, giáo viên nhất trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; là ngành liên quan đến mọi ngành của xã hội (đào tạo ra con người phát triển toàn diện), ít có ngành nào có “phổ” rộng như ngành giáo dục. Ngay chủ trương của Đảng và Nhà nước xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã nói lên sự quan trọng của ngành giáo dục.

Tham gia vào sự nghiệp giáo dục thì có nhiều nhân tố, nhưng quan trọng nhất là giáo viên và học sinh.

Các kỳ thi học sinh giỏi là cần thiết vì qua đó, phát hiện những nhân tố nổi trội để tham gia vào các kỳ thi cao hơn, thậm chí là khu vực, quốc tế; điều này cũng góp phần quảng bá và xây dựng thương hiệu quốc gia (nó giống như các quốc gia có nhiều doanh nhân nổi tiếng, các nhà khoa học nổi tiếng, thậm chí là các ngôi sao giải trí nổi tiếng…) thì quốc gia đó sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn. Biết để làm gì? Không chỉ để tự hào mà còn dễ dàng hơn trong giao thương làm ăn buôn bán, phát triển kinh tế, chẳng hạn. Hơn nữa, qua các kỳ thi học sinh giỏi để phát hiện, ươm mầm những nhân tố để phát triển trở thành những cánh chim đầu đàn, có thể là ở các lĩnh vực khoa học của đất nước sau này… Như thế, thi học sinh giỏi là cần thiết. Có lẽ vì nhìn thấy sự cần thiết như vậy nên chẳng ai bình luận điều này làm gì.

Nhân tố quan trọng khác tham gia vào sự nghiệp giáo dục đó là giáo viên. Điều này ít ai chối cãi. Nhưng tại sao khi thi giáo viên dạy giỏi thì có sự bàn tán, tranh luận nên hay không nên?

Có lẽ nó nằm ở chỗ: có nhiều người trong cuộc cho rằng, nhiều cuộc thi giáo viên day giỏi nhuốm màu hình thức, không thực chất, gây tốn kém… thậm chí là vô tình tạo ra khoảng cách giữa các giáo viên với nhau, về cách nhìn nhận của học sinh đối với các giáo viên đạt danh hiệu giỏi và không giỏi… Nói như thế, theo tôi có thể là đúng với thực tế nhưng chưa hẳn là có sức thuyết phục hoàn toàn. Nếu chúng ta đặt ngược vấn đề bằng một câu hỏi: giả sử thi giáo viên dạy giỏi là thực chất thì sao? Hẳn cách đặt vấn đề như vừa nêu đã tỏ ra thiếu sức thuyết phục.

Nếu, nó thật sự không cần thiết là nằm ở chỗ: đã là giáo viên thì phải giỏi. Người giáo viên phải giải quyết tốt các vấn đề trong dạy chữ và dạy văn (từ văn này hiểu theo nghĩa rộng là nhân cách, đạo đức, lễ phép, trung thực…), trong phạm vi của mình. Nếu không đạt những chuẩn này, có thể anh đang làm giáo viên nhưng chưa hẳn đóng tròn vai là người thầy giáo. Thứ nữa, mỗi lớp (ở các vùng khác nhau, mỗi học sinh khác nhau, trình độ tiếp nhận kiến thức cũng như nhiều vấn đề khác của học sinh khác nhau…), vì vậy, mỗi giáo viên đều không thể có một phương pháp dạy học giống nhau được.

Phương pháp dạy học này có thể tốt ở nơi này, với học sinh này nhưng chưa hẳn tốt với nơi khác, học sinh khác. Điều này chúng ta có lẽ cũng dễ dàng thống nhất. Nó cũng giống như có một nhà kinh tế học nói về sự bình đẳng rằng, đại ý: bình đẳng không có nghĩa là xử sự với mọi người đều giống nhau, bởi mỗi cá nhân là khác nhau, có suy nghĩ khác nhau, có những đòi hỏi khác nhau, có những cảm xúc khác nhau. Điều này rất có lý. Chúng ta thử lấy điều này đối chiếu qua giáo dục – một giáo viên dạy một lớp có học lực yếu, giáo viên đó phải tìm một phương pháp dạy như thế nào cho phù hợp để sau một học kỳ, một năm… lớp đó được nâng lên học lực trung bình. Tương tự như vậy, một lớp có học lực trung bình làm sao nâng lên được khá… Được như thế là rất tốt. Thế thì tại sao phải “góp tất cả các giáo viên lại như nhau”.

Đến đây, chúng ta thấy sự thi thố trong giáo viên là không cần thiết. Mà câu hỏi mang tính bản chất nhất là thi để làm gì, giải quyết vấn đề gì? Thi đua trong giáo viên chăng? Thiếu gì cách thi đua mà phải thi. Nâng cao trình độ giáo viên chăng? Thiếu gì cách để nâng cao (thậm chí là tự mỗi giáo viên phải biết nâng cao trình độ, tư cách đạo đức của mình để đảm nhận tốt vai trò là nhà giáo) mà phải thi. Đó là chưa nói đến chuyện, như trên đã nói, rất có thể gây ra sự “chia rẽ", cách nhìn nhận của học sinh về giáo viên bị thiên lệch. Điều này là không tốt.

LÊ PHƯƠNG